Blog thị trường

Vì sao giá nông sản tăng vọt?

Cập nhật, 13:44, Thứ Sáu, 21/02/2020 (GMT+7)

Có lẽ đây là câu hỏi được nhiều người thắc mắc, bởi khảo sát thị trường những năm qua thì rất hiếm gặp trường hợp tương tự. Mà cụ thể là dưa hấu và thanh long- 2 mặt hàng mà trong hơn tháng qua được rất nhiều tổ chức đứng ra kêu gọi “giải cứu” vì nghẽn đầu ra và mấy ngày nay giá tăng vọt.

Theo ông Nguyễn Quốc Trịnh- Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An, thanh long ruột đỏ sang Trung Quốc từ 5.000- 10.000 đ/kg rồi nhích dần lên 15.000- 20.000 đ/kg. 2- 3 ngày trở lại đây, các kho của Trung Quốc phát giá lên 30.000- 40.000 đ/kg, thậm chí có nơi ra giá tới 45.000 đ/kg (bằng với mức giá trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát). Giá dưa hấu cũng ấm dần, cánh thương lái thu mua tại ruộng khoảng hơn 3.000 đ/kg, tức tăng gấp đôi so với tuần trước.

Tuy vậy, động thái tăng giá này được cho là không bình thường. Đã có nhiều lý giải được đưa ra- đó là việc các cửa khẩu giao thương với Trung Quốc hoạt động trở lại. Đồng thời, ảnh hưởng của việc đóng cửa khẩu trước đó cũng khiến người dân không dám để thanh long tiếp tục ra trái. Song, vẫn có ý kiến nhận định tỏ ra hoài nghi khi thực tế dù hoạt động thông quan đã mở cửa nhưng vẫn còn rất chậm; và khả năng cố tình làm giá để bán hết lượng hàng cũ còn tồn từ trước khi xảy ra dịch bệnh, đến khi giải quyết hết hàng tồn họ đẩy giá xuống thấp trở lại. Bên cạnh, cũng không loại trừ khả năng thu hoạch hầu hết đã được bán ra cách đây nhiều ngày theo các chương trình hỗ trợ giải cứu nên sản lượng cũng không còn nhiều…

Câu hỏi đặt ra lúc này, liệu việc tăng giá này có ổn định. Riêng nông dân, sau thời gian thua lỗ, với việc giá nông sản tăng trở lại chắc chắn sẽ tập trung đầu tư chăm sóc ra cây trái để bán. Điều này được cho là hết sức nguy hiểm khi chưa việc gì đảm bảo, mà thực tế phủ phàng từng xảy ra trước đây ở nhiều nông sản.

Trước việc này, mới đây Bộ Công thương đã gửi công văn hỏa tốc đến UBND các tỉnh, khuyến cáo người dân hạn chế vận chuyển hàng lên biên giới. Để đảm bảo lợi ích, người dân cần liên hệ với đối tác Trung Quốc để đàm phán chuyển đổi sang hình thức xuất khẩu chính ngạch và chủ động áp dụng các biện pháp sẵn sàng chuyển đổi như thay đổi dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm…

Còn phía nông dân cũng nên “tự cứu mình” chủ động tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ, tìm hiểu kỹ thông tin, kết nối doanh nghiệp, các đầu mối tiêu thụ trong nước để bảo đảm đầu ra ổn định.

NGUYỄN HOÀNG

Các tin khác: