Sổ tay kinh tế

Xuất khẩu- rộng cửa vào thị trường EU

Cập nhật, 14:58, Thứ Năm, 20/02/2020 (GMT+7)

Nghị viện Châu Âu đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Châu Âu (EU) với Việt Nam, trong bối cảnh xuất khẩu nước ta bị ảnh hưởng lớn do dịch bệnh. Đây có thể là cứu cánh cho xuất khẩu lẫn tăng trưởng GDP năm 2020.

Nhiều khả năng EVFTA sẽ có hiệu lực ngay từ tháng 7. Theo Bộ Công thương, EVFTA sẽ giúp mở cửa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là nhóm hàng dệt may, giày dép và máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện- vốn là nhóm hàng xuất khẩu chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu và là các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam trong nhiều năm qua sang thị trường EU.

Trong đó, dệt may được cho là sẽ hưởng lợi nhiều nhất. Bởi, nếu quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” vốn được coi là thách thức đối với hàng dệt may Việt Nam thì tại EVFTA, quy tắc này chỉ áp dụng từ vải. Tức là, vải áp dụng cho hàng dệt may xuất khẩu sang EU chỉ cần đáp ứng điều kiện sản xuất tại Việt Nam.

Ngoài ra, EU đã chấp nhận nguyên tắc “cộng gộp xuất xứ”. Thí dụ, EU đã có FTA với Hàn Quốc thì với vải nhập khẩu từ Hàn Quốc về Việt Nam may thành sản phẩm, xuất khẩu sang Châu Âu vẫn được áp dụng ưu đãi từ EVFTA.

Với lộ trình giảm thuế về 0% sau 7 năm, ước tính có trên 37% số dòng sản phẩm da giày sẽ được áp dụng mức thuế 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực.

Với ĐBSCL, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, EU là thị trường quan trọng đối với ngành thủy sản, khi kim ngạch xuất khẩu những năm qua khu vực này đạt hơn 17 tỷ USD, với nông- thủy sản chiếm trên 60% kim ngạch.

Sắp tới, khoảng 50% số dòng thuế ngành thủy sản sẽ được xóa bỏ ngay khi EVFTA có hiệu lực, giảm từ mức 6- 22% hiện nay về 0%. EU cũng dành tổng hạn ngạch khoảng 80.000 tấn/năm đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm với mức thuế 0%. Đó là cơ hội cho nông sản thế mạnh khu vực này tăng tốc xuất khẩu.

MIỀN TÂY

 

 

Các tin khác: