Trăn trở nâng cao giá trị sản phẩm địa phương

Cập nhật, 07:26, Thứ Năm, 20/02/2020 (GMT+7)

Theo đánh giá của BTC cuộc thi Ý tưởng và dự án khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Long năm 2019, có nhiều ý tưởng, dự án tiềm năng trong sử dụng tài nguyên bản địa tạo ra sản phẩm. Chủ nhân các ý tưởng, dự án tham gia cuộc thi cho hay, một trong những lý do họ chọn sản phẩm địa phương là xuất phát từ mong muốn nâng cao giá trị các sản phẩm này.

Bộ sản phẩm bánh từ khoai lang của anh Nguyễn Thanh Việt đạt giải nhất tại cuộc thi.
Bộ sản phẩm bánh từ khoai lang của anh Nguyễn Thanh Việt đạt giải nhất tại cuộc thi.

Theo BTC, sau khi phát động, cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp năm 2019 đã nhận được 13 ý tưởng và 25 dự án tham gia dự thi. Nhìn chung, các ý tưởng, dự án đáp ứng mục đích, yêu cầu của cuộc thi với nhiều lĩnh vực được thí sinh lựa chọn.

Trong đó, đa số là trên lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Qua sơ khảo, đã chọn ra 4 ý tưởng và 15 dự án vào chung kết. Kết quả, bộ sản phẩm bánh từ nguyên liệu khoai lang của anh Nguyễn Thanh Việt (Công ty TNHH 1TV Bánh Nhật Ngọc ở huyện Long Hồ) đã xuất sắc đoạt giải nhất.

Anh Nguyễn Thanh Việt là gương mặt không xa lạ với “cộng đồng khởi nghiệp” trong tỉnh vài năm gần đây. Năm 2018, ý tưởng dịch vụ ăn, nước uống kết hợp hướng dẫn làm sản phẩm thủ công của anh đạt giải nhì cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL.

Và năm 2019, dự án sản phẩm bánh từ khoai lang của anh là 1/29 dự án cả nước vào vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn 2019.

Anh Việt chia sẻ, bản thân tôi đã có rất nhiều trăn trở về nguồn tài nguyên bản địa, trong đó có khoai lang ở xứ rẫy Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long). Qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và làm thử, đã có các loại bánh mà tôi đã sử dụng khoai lang rất phù hợp như bánh hạnh phúc, bánh trung thu, bánh cooki, chè, bánh canh,...

Chia sẻ về thời gian đầu làm bánh, anh đã thực hiện hàng chục lần với hàng ngàn cái bánh để “đưa cho khách hàng dùng thử và đóng góp ý kiến”. Có lúc thành công, có lúc thất bại và qua quá trình đó tôi đã đúc kết được công thức và kỹ thuật làm bánh ngày càng hoàn thiện.

Bên cạnh khoai lang, anh còn tận dụng triệt để các sản phẩm tại tỉnh nhà như dừa, bột nếp, lá dừa nước… để làm nguyên liệu, gói bánh. Với các dòng bánh này, anh Việt mong muốn góp phần nâng thêm giá trị cho sản phẩm khoai lang và tạo thêm sản phẩm phục vụ ngành du lịch- góp phần quảng bá hình ảnh của tỉnh đi xa hơn.

Cũng từ trăn trở tận dụng phế thải, nâng cao giá trị sản phẩm địa phương, anh Nguyễn Văn Thảo ở xã Thuận Thới (Trà Ôn) dự thi dự án Xử lý phế thải nông nghiệp bằng trùn quế tạo ra sản phẩm phục vụ chăn nuôi và trồng trọt và đạt giải ba.

Anh Nguyễn Văn Thảo bên dự án đạt giải 3 của cuộc thi đã triển khai ở Thuận Thới (Trà Ôn).
Anh Nguyễn Văn Thảo bên dự án đạt giải 3 của cuộc thi đã triển khai ở Thuận Thới (Trà Ôn).

Thảo chia sẻ về lý do chọn dự án, lượng phế phẩm, phụ phẩm trong quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến các loại nông sản ở nước ta, trong đó ở ĐBSCL rất lớn. Nếu biết cách tận dụng thì không những tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho xã hội, đặc biệt là lao động ở nông thôn mà còn góp phần tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị hơn, cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, việc tận thu và tái chế các phế phụ phẩm nông nghiệp còn khá nhiều hạn chế và bất cập. Các cơ sở sản xuất, chế biến chủ yếu tập trung vào dây chuyền sản xuất, ít quan tâm tới khâu thu gom, phân loại.

Trong khi, nhiều nơi bà con nông dân còn xử lý phụ phế phẩm nông nghiệp bằng biện pháp chôn lấp, đốt bỏ, đổ xuống ao hồ… gây lãng phí và ảnh hưởng xấu cho môi trường. Vì vậy “Tôi muốn đề xuất một hướng đi mới cho bà con nông dân ở ĐBSCL: sử dụng trùn quế để xử lý phế phẩm nông nghiệp nhằm tăng thêm thu nhập, giảm chi phí đầu tư và bảo vệ môi trường”.

Đó là, xây dựng mô hình nông nghiệp khép kín và xử lý phế thải nông nghiệp bằng trùn quế tạo ra nông sản sạch. Cụ thể, trồng cỏ ventiver cải tạo đất nông nghiệp bị thoái hóa, rễ cỏ thu lại làm nhang và tách chiết làm nước hoa.

Còn lá cỏ dùng chăn nuôi bò, dê, heo.... Sau đó, dùng phân bò heo dê, rác thải hữu cơ... để chăn nuôi trùn quế xử lý môi trường tạo ra sản phẩm phục vụ nông nghiệp sạch. Trùn thịt dùng lại vỗ béo bò, heo, dê hoặc chăn nuôi tôm, cá, lương... và thủy phân làm phân bón lá tưới cho cây ăn trái và rau màu. Phân trùn quế làm phân hữu cơ bón cho cây trồng và rau sạch.

Dự án của Thảo đã triển khai vào thực tế và hiện Nguyễn Văn Thảo đang là Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuận Thới (xã Thuận Thới- Trà Ôn). Mong muốn của tôi là có thể áp dụng mô hình rộng rãi lên để xử lý lượng lớn phế thải nông nghiệp- góp phần nâng cao giá trị nông sản”- anh Nguyễn Văn Thảo chia sẻ dự định.

Bên cạnh các dự án nói trên, theo đánh giá của BTC, nhiều ý tưởng, dự án tốt, tiềm năng trong sử dụng tài nguyên bản địa tạo ra sản phẩm. Dù đánh giá cao chất lượng các ý tưởng, dự án tham gia cuộc thi, BTC cuộc thi lưu ý, chủ nhân các ý tưởng, dự án tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, chú trọng tạo khác biệt- độc đáo cho sản phẩm và quan tâm hơn tính pháp lý, sức hút của sản phẩm khi đưa ra thị trường…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Lê Quang Trung lưu ý, sau cuộc thi, các cấp ngành quan tâm hỗ trợ để các tổ chức, cá nhân có các ý tưởng, dự án khởi nghiệp tiếp tục hoàn thiện, triển khai vào thực tế và hiệu quả.

Ông Nguyễn Phương Lam- Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ

Tôi được biết gần đây, Vĩnh Long có 1 đơn vị bắt đầu dựa vào nền tảng khoai lang để sản xuất các loại bánh. Tuy nhiên, mới dừng lại ở khởi nghiệp. Để đi xa hơn, cần nghiên cứu liên kết các cơ sở làm bánh thành một hệ thống, chuỗi. Về mô hình quản lý để thúc đẩy khởi nghiệp, mỗi địa phương đều có cách xây dựng chương trình khởi nghiệp rất hay. Có địa phương sản phẩm đi trưng bày khắp nơi trên cả nước là sản phẩm khởi nghiệp chớ không phải sản phẩm của doanh nghiệp lớn, giúp hình thành hoạt động khởi nghiệp rất năng động. Khi chúng tôi liên hệ thì những cơ sở khởi nghiệp như vậy làm không kịp để bán… Cho thấy, khi được chính quyền quan tâm- có chính sách tốt thì các bạn phát triển rất nhanh.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN

 

Các tin khác: