Hơn 1.200 ha dưa hấu vùng Nam Trung Bộ không tiêu thụ được

Cập nhật, 12:03, Thứ Năm, 20/02/2020 (GMT+7)

Hiện vẫn còn khoảng 1.200 ha dưa hấu ở các tỉnh Gia Lai, Phú Yên đứng trước nguy cơ đổ bỏ do khó khăn trong khâu tiêu thụ.

Nhiều chương trình giải cứu dưa hấu cho bà con nông dân.
Nhiều chương trình giải cứu dưa hấu cho bà con nông dân.

Những ngày qua, nhiều chương trình giải cứu dưa hấu cho bà con nông dân tỉnh Gia Lai đã được thực hiện ở các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 1.200 ha dưa hấu ở các tỉnh Gia Lai, Phú Yên đứng trước nguy cơ đổ bỏ. Đã đến lúc, ngành nông nghiệp phải tìm cách mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản trên cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu những thị trường khó tính khác.

Ruộng dưa hấu hơn 1 ha của anh Hồ Ngọc Thọ, ở xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa đã có thể thu hoạch cách đây 1 tuần. Thế nhưng cho tới thời điểm hiện tại, chưa thương lái nào hỏi mua vì cửa khẩu Trung Quốc bị hạn chế qua lại do dịch bệnh nên không thể xuất hàng. Nhìn ruộng dưa với chi phí đầu tư gần 200 triệu đồng không thể thu hái, trời lại mưa, anh Thọ không khỏi xót xa.

“Thương lái không mua nên gia đình phải tìm cách tiêu thụ. Dù giá dưa rẻ hay đắt cũng hái bán, vì nếu dưa để lâu ruột bị hư sẽ không còn ai mua và cầm chắc thua lỗ”, anh Thọ chia sẻ.

Từ Gia Lai xuống Phú Yên thuê 2 ha đất trồng dưa, anh Vũ Văn Phượng cũng rơi vào cảnh dưa chín mà không có người mua. Đã vậy, lợi dụng tình trạng dưa không bán được, nhiều tư thương ép giá. Mỗi ha dưa người trồng bị lỗ từ 7 - 10 triệu đồng.

“Từ Gia Lai xuống đây thuê đất, thuê máy móc trồng dưa cùng bao nhiêu công chăm sóc nên chi phí tốn kém hơn người dân địa phương. Nếu dưa không tiêu thụ được gia đình sẽ bị lỗ rất lớn”, anh Phượng buồn bã nói.

Tại 2 tỉnh Phú Yên và Gia Lai hiện có hơn 1.200 ha trồng dưa hấu đang phải đối mặt với tình trạng vứt bỏ vì không ai mua. Nhiều chương trình giải cứu nông sản đã được các địa phương triển khai nhằm hỗ trợ bà con nông dân giảm bớt khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Nhưng vấn đề đặt ra hiện nay với các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên là cần đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp, đồng thời xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh  Phú Yên cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh thời gian qua đã định hướng cho các doanh nghiệp và bà con nông dân sản xuất theo tiểu chuẩn VietGap.

“Khi sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn VietGap sẽ có sản phẩm an toàn. Khi đó, nếu thị trường Trung Quốc không tiêu thụ được, trái cây vẫn có thể tiêu thụ ở thị trường trong nước cũng như xuất khẩu sang các nước ASEAN, châu Âu và châu Mỹ”, ông Nhĩ lý giải./. 

Theo CTV Đặng Dự/VOV

Các tin khác: