Trồng dừa Mã Lai thu nhập 200 triệu mỗi năm

Cập nhật, 17:06, Thứ Năm, 02/06/2016 (GMT+7)

Ông Nguyễn Ngọc Tưởng (Tám Quyền), 65 tuổi, ngụ ấp Vàm Lịch, xã Chánh An (Mang Thít) khá lên nhờ trồng dừa Mã Lai, mỗi năm, cho thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Nhiều người đếm tham quan vườn dừa của ông Tám Quyền.
Nhiều người đếm tham quan vườn dừa của ông Tám Quyền.

Khu vườn rộng chỉ có 4 công đất, nhưng hiện có đến 500 cây dừa đang cho trái. Những cây dừa có tuổi đời từ 5 năm trở lên cho mỗi buồng từ 40-50 trái, có khi lên đến gần 60 trái.

Ai đến tham quan vườn dừa của ông Tám cũng đều trầm trồ khen ngợi sự nhạy bén thị trường và đón được thời cơ thích nghi với tình hình hạn mặn xâm nhập ngày càng gay gắt. 

Ông Tám cho biết, cách đây 10 năm, gia đình rất khó khăn, vợ mất sớm để lại 5 đứa con nhỏ, với mảnh vườn có 4 công đất trồng nhãn da bò đang bị bệnh chỗi rồng, thất thu nhiều năm liền.

Do bị tật một chân nên ông nghĩ chỉ có cách trồng dừa là đỡ việc chăm sóc, vả lại trồng dừa còn tận dụng được những phần khác như lá dừa khô, bẹ dừa làm củi...

Chính vì vậy, ông nhờ người hàng xóm chuyên đi mua bán dừa khô ở Bến Tre mua dùm ông 50 trái dừa giống Mã Lai về trồng. Chỉ sau 2 năm, dừa đã có lưỡi mèo và năm thứ 3 đã cho trái.

“Những buồng đầu tiên cho trái nằm sát đất, trông rất đẹp mắt. Thấy bước đầu hiệu quả, tôi đã để giống những buồng dừa khô, để nhân rộng ra 2 công đất. Nhờ dừa mau cho trái nên gia đình tôi có thu nhập hàng ngày để lo cho các con khôn lớn nên người. Hiện nay các con của tôi đã có công ăn việc làm, nơi ở ổn định”, ông Tám phấn khởi.  

Năm 2015, khi vườn dừa 4 công có trái đều, hàng tháng ông Tám bán khoảng 800-900 dừa nạo, với giá 70.000 đ/chục, ông thu khoảng 60 triêụ đồng, chưa kể đến việc hàng ngày các quán giải khát ở địa phương gọi ông mang dừa đến tận quán bỏ mối.

Ngoài dừa tươi, ông còn bán được 3.000 trái dừa giống (mỗi trái 35.000 đ) ông cũng thu hơn 100 triệu đồng. Năm nay, tất cả 500 cây dừa của ông đều cho trái, ước tính, số dừa ông thu hoạch sẽ tăng gần gấp đôi…

Đến nay, đã có nhiều người đến đặt cọc 2.000 trái dừa giống, dự đoán đến từ đây đến cuối năm sẽ tăng gấp đôi bởi loại dừa này đang hút hàng, được giá và có nhiều ưu điểm vượt trội… +

Ông Tám bên cây dừa 2 đọt của mình.
Ông Tám bên cây dừa 2 đọt của mình.

Theo ông Tám Quyền, ưu điểm của loại dừa này là không bị đuôn ăn, vỏ mỏng, gáo bự, nước ngọt thơm, thân nhỏ có thể trồng diện tích hẹp… Đặc biệt, khi ương giống dừa để bán, rất nhiều trái dừa khô cho ra nhiều cây con. Thường 1 trái cho ra 2- 3 cây, có nhiều lúc 1 trái cho ra đến 4 đọt…

Vừa kể chuyện, ông Tám vừa chặt dừa cho chúng tôi thưởng thức; thật vậy, giữa trưa hè nắng gắt được thưởng thức nước dừa tươi ngọt lịm và thoang thoảng hương thơm... khó tả.

Nhiều người nghĩ, trồng dừa sẽ đỡ công chăm sóc, tuy nhiên, đối với ông Tám Quyền thì ông nói cây gì cũng vậy, hễ biết chăm sóc đúng cách thì trái mới nhiều.

Hàng tháng đều phải bón phân đúng cách và đúng kỹ thuật. Đặc biệt, bón phân có 2 cách là xúp đất xung quanh gốc dừa, bón phân xong lấy bùn dưới mương ốp một lớp mỏng lên tránh tình trạng gà bươi, trôi phân vừa tạo độ ẩm giúp phân hòa tan nhanh và đều.

Cách khác là đào khoảng 4- 5 lỗ nhỏ ở xung quanh gốc dừa rồi cho phân vào lỗ tưới nước. Từ đây, chất dinh dưỡng sẽ thấm qua nền đất vòng quanh gốc mà không bị lãng phí hạt phân nào ra ngoài môi trường. Tuy nhiên, 1 cây chỉ tốn khoảng 1kg/năm và chủ yếu là loại phân 20-20-15… 

Ngoài ra, còn phải dọn sạch những tàu dừa, bẹ dừa khô dể cây thoáng dễ ra bông. Mỗi tháng, vườn ông Tám có hàng trăm tàu dừa khô dược dọn trên cây xuống, ông đều cho những người hàng xóm đến lấy về làm củi.

Ông Trần Hoàng Tín- Chủ tịch Hội Nông dân xã Chánh An, cho biết: “Ông Tám Quyền xứng đáng là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh. Hiện, loại dừa Mã Lai cho thu nhâp cao được ông chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ giống cho hơn 30 hộ ở địa phương trồng theo và đều đạt kết quả khả quan.

Đây là một trong những mô hình chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi ở địa phương phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu ở đây. 3 tháng trước, mặn xâm nhập làm nhiều vườn cây ăn trái ở đây chết trơ cây, riêng vườn dừa của ông không bị hề hấn gì. Đây là một mô hình hiệu quả cần nhân rộng”.

Bài, ảnh: BÁ HÙNG