Hiệu quả lớn từ những mô hình nhỏ

Cập nhật, 16:12, Thứ Tư, 01/06/2016 (GMT+7)

Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ của Hội Liên hiệp Phụ nữ TX Bình Minh. Từ nhiều mô hình làm ăn nhỏ, đơn giản, với số vốn ban đầu không nhiều nhưng hiệu quả kinh tế, xã hội mang lại là rất lớn.

Tạo nên phong trào đoàn kết, hỗ trợ nhau thoát nghèo, ngoài việc phát triển kinh tế hộ gia đình, ý nghĩa lớn nhất chính là phát huy vai trò và nâng cao vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Chị em phụ nữ ấp Đông Lợi trên ruộng đậu bắp của chị Tuyền.
Chị em phụ nữ ấp Đông Lợi trên ruộng đậu bắp của chị Tuyền.

Vai trò cán bộ cơ sở

Ngay vào lúc thời tiết mưa giông thất thường do vào đợt áp thấp nhiệt đới, nhưng khi được giới thiệu về các địa bàn xã, ấp, tôi vẫn được sự hướng dẫn nhiệt tình của các chị, bất kể giờ giấc, sẵn sàng xắn quần lội ruộng hàng cây số để đến thăm từng mô hình, từng hộ nông dân.

Hình như đó là “phong cách chung” của những cán bộ phụ nữ ở cơ sở, họ luôn năng nổ, hết lòng với công việc, họ thuộc từng tên họ hội viên khó khăn, hoàn cảnh từng hộ gia đình. Nói như bà Phạm Kim Thoa- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đông Thành: “Nắm chắc địa bàn trong lòng bàn tay và phải thường xuyên xuống cơ sở mới được”.

Chúng tôi chạy qua các ấp: Đông Hưng 1, Đông Hưng 2 nằm dọc theo Quốc lộ 54, mà giờ đây đã trở thành “con đường trái cây”, luôn có thường xuyên mười mấy sạp trái cây, còn khi vào mùa thanh trà thì bà con bày bán trái cây không đếm xuể.

Bà Phạm Kim Thoa cho biết, nhiều chị em sống vững nhờ nghề bán trái cây; trong đó cũng có nhiều người đi lên từ những đồng vốn vay ban đầu của tổ góp vốn xoay vòng.

Chạy xuống ấp Đông Hòa 2, thăm xưởng may gia công, rồi theo con đường vào chùa Tòa Sen, chúng tôi ghé thăm cơ sở làm hạt điều của chị Nguyễn Thị Hiệp ở khu dân cư vượt lũ mà hai bên đường rực những đám hoa mười giờ “hồi sinh” sau những cơn mưa đầu mùa.

Bà Phạm Kim Thoa cho biết: “Đây là công trình đường hoa do hội kết hợp với bên Đoàn Thanh niên, đang chăm sóc để nhân ra dọc hai bên đường. Đợt hạn vừa qua phải chăm sóc rất cực”. Đây là công trình làm đẹp cảnh quan môi trường, góp phần vào việc hoàn thành tiêu chí nông thôn mới của xã.

Cũng như bà Phạm Kim Thoa, những cán bộ hội đầy trách nhiệm, nhiệt tình như chị Bùi Ngọc Hồng Giang- Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đông Bình, chị Huỳnh Thị Bé Hai- Chi hội trưởng ấp Đông Lợi, hay chị Tuyền, chị Hường,... là những nhân tố góp phần cho phong trào hội vững mạnh.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TX Bình Minh Ngô Thị Hồng Gấm, nhận xét: “Ở đâu có cán bộ hội giỏi, ở đó phong trào phát triển mạnh”.

Vốn ít mà hiệu quả cao

Xã Đông Bình cũng được đánh giá cao, là địa phương có nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình hiệu quả, bền vững.

Đặc biệt ở ấp Đông Lợi, chị Huỳnh Thị Bé Hai cũng là một cán bộ giỏi, có uy tín cao với hội viên, bởi chính gia đình chị là điển hình cho sự vượt khó, vươn lên. Từ mấy công ruộng, giờ gia đình chị có cơ ngơi khá vững với nghề chăn nuôi heo, vịt tăng thêm nguồn thu nhập ngoài khu vườn hoa kiểng, quán giải khát và mua bán lặt vặt khác.

2 đứa con đã trưởng thành, lập nghiệp riêng nên giờ tất cả cái “hậu phương” bề bề đó, hầu như chị Bé Hai... khoán cho ông xã; còn phần lớn thời gian, chị đạp xe đi cơ sở từ việc của Chi hội Phụ nữ cho đến công việc kiêm thêm như công tác y tế, dân số của ấp.

Hiện ở ấp Đông Lợi có đến 5 tổ góp vốn xoay vòng, với trên 100 hội viên. Vốn góp hàng tháng chỉ từ 200.000- 300.000đ, sao cho mỗi lần nhận vốn chỉ trong tầm khoảng 4- 6 triệu đồng. Việc cấp vốn thông qua cung cấp con giống, cây giống, thức ăn chăn nuôi,... nhằm phát huy hiệu quả tốt nhất của đồng vốn.

Chúng tôi cùng chị Bé Hai lội bộ hơn cây số qua con đường đê trơn trợt sau cơn mưa lớn để ra đến tận ruộng đậu bắp có mấy chị em đang đội mưa thu hoạch trái. Mỗi người trồng vài công, nhiều nhất là 5 công.

Đây là giống cây không tốn nhiều tiền đầu tư, không tốn nhiều phân thuốc, mỗi công chi phí tầm khoảng 2,5 triệu, nhưng nếu giá 4.500 đ/kg như hiện nay hoặc được giá 6.000- 7.000 đ/kg như hôm trước thì mỗi công thu được cả chục triệu đồng.

Đứng trên ruộng đậu bắp, chị Tuyền tâm sự: “Hồi trước khó khăn lắm, nhờ trúng mấy năm rẫy rồi làm thêm dành dụm, vợ chồng tôi đang xây được căn nhà hơn 100 triệu”.

Bà Phạm Kim Thoa cho biết, ở Đông Thành ngoài việc góp vốn xoay vòng, hội quan tâm hỗ trợ mọi mặt đối với những cơ sở tại địa phương, cũng là gián tiếp tạo thêm việc làm.

Như các cơ sở may gia công ở Hóa Thành 1 và Đông Hòa 2 (trên 50 công nhân), cơ sở làm hạt điều của chị Nguyễn Thị Hiệp ở khu dân cư vượt lũ (trên 40 chị). Anh Bùi Tấn Phong (39 tuổi) quê ở ấp Đông Hòa 2, đã làm cho Công ty May Việt Hưng trên TP Hồ Chí Minh hơn 17 năm, có uy tín giờ anh ký kết với công ty nhận đơn hàng về mở cơ sở may ngay tại quê nhà.

Được địa phương hỗ trợ thiết bị máy và khâu dạy nghề cho công nhân nên rất thuận lợi. Thu nhập công nhân trung bình 2,5- 3 triệu đồng/tháng, mà không phải xa nhà.

Thông qua các hoạt động hội, người phụ nữ nông thôn biết cách làm ăn từ những đồng vốn hỗ trợ, ngoài ra còn tham gia các hoạt động xã hội khác.

Chị em phụ nữ không chỉ cắm cúi vào đồng áng, bếp núc mà thỉnh thoảng tham gia nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, các hoạt động tổ nhóm; qua đó nâng cao vai trò, nâng cao đời sống tinh thần của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.

 

 

 

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đông Thành Phạm Kim Thoa

 

“Người cán bộ phải nắm chắc địa bàn và phải thường xuyên xuống cơ sở để “rủ rê” từng hội viên tham gia vào các lớp tập huấn, đào tạo nghề, tận dụng thời gian nhàn rỗi, tăng thêm thu nhập gia đình”.

 

 

Anh Bùi Tấn Phong-chủ cơ sở may gia côngở ấp Đông Hòa

 

Chỉ cần học 1 tháng là có thể may các khâu đơn giản nhất và có thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, sau đó, dần dần nâng cao tay nghề lên. Hiện cơ sở tôi có 30 máy, với 25 thợ may thường xuyên, thu nhập 2,5- 3 triệu đồng/tháng.

 

 

Chị Nguyễn Thị Hiệp

 

“Cơ sở hạt điều làm được 9 năm rồi, tạo việc làm thêm trong lúc rảnh rỗi cho khoảng 40 chị em trong xóm. Mỗi tháng mấy chị cũng có thêm 1,5- 2 triệu đồng”.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG