Quốc hội thảo luận

Mở rộng đối tượng xét các danh hiệu trong giới văn nghệ sĩ

Cập nhật, 08:39, Thứ Bảy, 28/05/2022 (GMT+7)

Ngày 27/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Thảo luận về dự thảo, đại biểu đánh giá dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đã thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, đảm bảo tính thống nhất, toàn bộ, phù hợp với thực tiễn.

Đóng góp thêm cho dự án luật, liên quan đến quy định về danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” quy định tại Điều 66, đại biểu tán thành với phương án bổ sung các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các soạn giả trong lĩnh vực sân khấu là đối tượng được xét danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”. Đại biểu cho rằng quy định này sẽ thể hiện sự quan tâm, trân trọng sự đánh giá và nhìn nhận đầy đủ, đúng đắn và toàn diện những nỗ lực cống hiến, đóng góp, hy sinh và vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ hoạt động ở tất cả các lĩnh vực văn học nghệ thuật, kể cả nghệ sĩ sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và giao Chính phủ quy định chi tiết. Tuy nhiên, theo đại biểu, nếu quy định nhà văn là đối tượng được xét tặng danh hiệu trên thì đề nghị là trong văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật cần cụ thể đối tượng nhà văn sẽ bao gồm tất cả tác giả sáng tác các thể loại văn học và dịch thuật. Đó là nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch và dịch giả để tránh việc bỏ sót đối tượng.

Ngoài ra, dự thảo luật lần này chú trọng khen thưởng các tập thể, cá nhân trực tiếp lao động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, khi quy định các hình thức khen thưởng như Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ thì dự thảo chưa bao quát hết các đối tượng là người trực tiếp lao động, sản xuất kinh doanh. Mới chỉ quy định tặng cho công nhân, nông dân, trí thức, nhà khoa học, doanh nhân mà lại không có đối tượng là những người trực tiếp sản xuất kinh doanh khác: tiểu thương, tiểu chủ... Họ không phải là công nhân, không phải là nông dân cũng không phải là doanh nhân, mà thuộc nhóm những người lao động khác. Do vậy, cần bổ sung vào dự thảo luật các đối tượng “những người lao động khác” để khen thưởng bao quát hết các đối tượng.

TÂM NHƯ