Để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt hiệu quả

Phân công rõ trách nhiệm, thường xuyên kiểm tra, giám sát

Cập nhật, 06:29, Thứ Năm, 26/05/2022 (GMT+7)

 

Ngày 25/5, trong phiên thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, đại biểu Nguyễn Thanh Phong- đơn vị tỉnh Vĩnh Long (ảnh) cơ bản nhất trí với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Theo đó, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội.

Vẫn còn những hạn chế

Tuy vậy, cần thẳng thắn nhìn nhận còn một số tồn tại, hạn chế nhất định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cụ thể, chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 và chậm báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 so với thời hạn quy định. Việc ban hành văn bản quy định chi tiết có hiệu lực đồng thời với văn bản quy phạm pháp luật chưa được thực hiện triệt để; một số văn bản quy phạm pháp luật khi ban hành còn chưa đúng về nội dung, thẩm quyền; tiến độ xử lý văn bản sau rà soát còn chậm...

Ngoài ra, khi thực hiện các giải ngân đầu tư công chậm thì đây cũng là việc gây lãng phí khi huy động tiền vốn. Chúng ta phải trả lãi cho vốn đó, nhưng vốn vẫn để trong Kho bạc, không giải ngân được, không đưa vào công trình, như vậy đó là lãng phí việc trả tiền lãi. Khi công trình triển khai chậm tiến độ kéo theo làm chậm các công trình, các hoạt động kinh tế- xã hội khác, gây ra những lãng phí của các ngành, lĩnh vực khác có liên quan.

Lãng phí rất lớn trong việc sử dụng tài sản công, trụ sở làm việc, tài sản của các doanh nghiệp, rất nhiều trụ sở làm việc của cơ quan ở những vị trí đất vàng, nhưng sử dụng không hiệu quả, thậm chí có những cơ quan đã được xây dựng ở những vị trí mới nhưng vẫn không trả những trụ sở cũ. Đó chính là việc tạo ra lãng phí, không phải chỉ phần đất đai đó mà còn mất cơ hội cho những người khác có khả năng khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên đó tốt hơn.

Công tác lập, chấp hành dự toán còn hạn chế; tình trạng chưa phân bổ chi tiết vốn ngân sách Trung ương, chưa phân bổ hết vốn ngân sách địa phương, giải ngân chậm nguồn vốn ODA chưa được khắc phục, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Đấu thầu mua sắm và mua sắm tập trung còn nhiều bất cập, như quy trình, thủ tục đấu thầu phức tạp, gây lãng phí về thời gian, làm chậm tiến độ triển khai các dự án đầu tư, mua sắm...

Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra

Về nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thời gian tới, đại biểu Nguyễn Thanh Phong đề nghị tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đó, xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong từng lĩnh vực được giao phụ trách; cần phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc, từng cán bộ, công chức, viên chức, gắn với công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên, bảo đảm việc thực hiện chương trình đạt hiệu quả.

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm nâng cao, thống nhất nhận thức, trách nhiệm về mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của công tác này đối với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình; bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí theo thẩm quyền.

Tăng cường công tác tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực: Quản lý ngân sách nhà nước; vốn đầu tư công; nợ công; quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đối với đất đai; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; quản lý lao động, thời gian lao động...

Thực hiện công khai, nâng cao hiệu quả kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chú trọng thực hiện công khai việc sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính được giao, công khai thông tin về nợ công và các nội dung đầu tư công theo quy định pháp luật. Phát huy vai trò giám sát của MTTQ các cấp và các tổ chức, đoàn thể trong mỗi cơ quan, đơn vị để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung một số nội dung, lĩnh vực trọng điểm như: Quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản công; cổ phần hóa. Thực hiện nghiêm quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra lãng phí.

Xây dựng quê hương giàu đẹp. Trong ảnh: Một góc TP Vĩnh Long. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH (TP Vĩnh Long)
Xây dựng quê hương giàu đẹp. Trong ảnh: Một góc TP Vĩnh Long. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH (TP Vĩnh Long)

Việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương giúp cho việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả hơn, giảm thời gian, giảm nhiều khâu trung gian và giảm nhiều chi phí, đi liền với đó là nâng cao năng lực, tự chủ trách nhiệm và cá thể hóa trách nhiệm.

Vì vậy, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề lớn cần đặt ra trong giai đoạn hiện nay, không để trở thành vấn đề cản trở sự phát triển, gây bức xúc cho Nhân dân. Thiệt hại do lãng phí gây ra không kém tham nhũng, thậm chí nhiều lĩnh vực lãng phí nguồn lực còn rất trầm trọng, do đó cần có giải pháp đồng bộ, phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả.

TÂM NHƯ (ghi)