Ai sẽ "lái con thuyền" truyền đạt tri thức lịch sử nước nhà cho thế hệ tương lai?

Cập nhật, 20:26, Thứ Tư, 25/05/2022 (GMT+7)

Ngày 25/5, trong phiên thảo luận tổ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều ý kiến đóng góp về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.

*  Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh: Xem xét việc giảm thuế đánh vào xăng dầu nhằm kiểm soát giá

Thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát lạm phát, kịp thời ban hành chính sách giảm thuế đối với xăng dầu góp phần giảm bớt áp lực tăng giá xăng dầu.

Tuy nhiên, hiện nay, giá xăng dầu trong nước đang đi theo giá thế giới. Nếu giá cả tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân trong tình trạng người dân đã rất khó khăn sau 2 năm đại dịch; ảnh hưởng lớn đến sản xuất và hiệu quả thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.

Trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang có 4 loại thuế: Thuế giá trị gia tăng 10%, thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và thuế bảo vệ môi trường. Vừa qua, Liên Bộ Công thương - Tài chính đã thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Đây là kỳ tăng giá thứ ba liên tiếp kể từ cuối tháng 4. Từ đầu năm đến nay, giá xăng bán lẻ đã 9 lần tăng, 3 lần giảm. Mặc dù từ ngày 1/4, chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chính thức có hiệu lực, tuy nhiên, đà giảm của giá xăng dầu được cho là không đáng kể.

Vì vậy, Quốc hội và Chính phủ nên tiếp tục xem xét việc giảm thuế đánh vào xăng dầu nhằm kiểm soát giá mặt hàng này không vượt ngưỡng cao để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cuộc sống của người dân. Nghiên cứu tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt. Kiềm chế giá xăng dầu là yếu tố quan trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô nên cần khẩn trương thực hiện linh hoạt, hiệu quả bởi giá xăng dầu tăng ở mức cao gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế, làm giảm hiệu quả của chính sách tài khóa và tiền tệ.

Trong quá trình ứng phó đại dịch COVID-19, Đảng, Nhà nước ta đã kiên định mục tiêu bảo vệ quyền con người, bảo hộ công dân, bảo đảm sức khỏe và tính mạng của nhân dân với những chủ trương, quyết sách mạnh mẽ, nhân văn. Theo đó, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời triển khai nhiều biện pháp bảo đảm an sinh xã hội như hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch; xuất cấp 27,19 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả mưa lũ; hỗ trợ khoảng 43,2 nghìn tỷ đồng cho 36,6 triệu lượt đối tượng theo Nghị quyết 68/NQ-CP và trên 38,4 nghìn tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116/NQ-CP.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, việc bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội vẫn còn những vấn đề trăn trở: Tỉ lệ hộ cận nghèo còn nhiều; đời sống của một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn; nguồn lực cho an sinh xã hội và phúc lợi xã hội còn phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách nhà nước, diện bao phủ và mức hỗ trợ còn thấp… Do đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP; xem xét có giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ hơn trong các chính sách bảo hiểm xã hội, hạn chế tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần; hỗ trợ cho người lao động còn khó khăn về nhà ở yên tâm làm việc, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh giữ chân lao động để phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế - xã hội.

Thực tiễn chống dịch COVID-19 vừa qua đã cho thấy nhiều bất cập, yếu kém của hệ thống y tế cộng đồng. Trong tình hình mới, việc củng cố và nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở, trong đó có Trạm Y tế, là vấn đề ưu tiên. Vì vậy, đề nghị cần bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù để nhân viên y tế cơ sở đảm đương công việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ban đầu cho dân; đặc biệt quan tâm xem xét và có chính sách để tăng thu nhập của nhân viên y tế cơ sở; tạo điều kiện cho bác sĩ tại các Trạm Y tế có cơ hội rèn luyện và nâng cao trình độ chuyên môn. Ngoài ra, Chính phủ cần có chương trình, dự án đặc thù về tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho trạm, đảm bảo về thuốc và vật tư y tế. Bộ Y tế nghiên cứu rà soát bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020 theo Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 7/11/2014 để điều chỉnh, nâng chất lượng hoạt động của trạm y tế cấp xã, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân tại tuyến cơ sở.

* Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang- Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: Ai sẽ “lái con thuyền” truyền đạt tri thức lịch sử nước nhà cho thế hệ tương lai?

Từ thực tiễn phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đất nước sau đại dịch COVID-19, qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ, tôi xin đề cập đến một số vấn đề thấy còn khó khăn, bất cập cần thiết phải có giải pháp tập trung tháo gỡ trong giai đoạn hiện nay.

Trên lĩnh vực kinh tế, có thể khẳng định, công tác quản lý, điều hành giá của Chính phủ những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 đạt kết quả tốt, lạm phát cơ bản được kiểm soát, tránh được bão giá góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2022 là rất lớn.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang ở giai đoạn phục hồi khi dịch COVID-19 được kiểm soát khiến tổng cầu tăng nhanh, giá hàng hóa trên thế giới đang tăng mạnh, nguồn nguyên, nhiên vật liệu sản xuất hàng hóa sử dụng trong nước và xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nên rủi ro nhập khẩu lạm phát không thể tránh khỏi.  

Thế nên, công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, chủ động và linh hoạt hơn. Đặc biệt, Chính phủ, các bộ, ngành chủ quản cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam, nhất là cần đánh giá, nhận định các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn, để có chính sách, giải pháp kịp thời bảo đảm cân đối cung - cầu, điều hành, bình ổn giá phù hợp; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế, cụ thể là kiểm soát giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước dần thay thế nguồn nhập khẩu, tiến tới cân đối về giá cả một số nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp (giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi...), điều hành linh hoạt giá điện, xăng dầu; đẩy nhanh tiến độ các dự án về nguồn và lưới điện, chủ động phương án nguồn cung than, khí đốt phục vụ sản xuất điện, phương án vận hành hệ thống điện; thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu bền vững, đảm bảo mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của Nhân dân cả nước.

Thời gian qua, tình trạng một bộ phận người lao động khó khăn, chưa tìm được việc làm nên đã thanh toán bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần tăng cao (số người hưởng BHXH một lần trong 4 tháng đầu năm 2022 khoảng 302 nghìn người), dẫn đến nguy cơ không bảo đảm đời sống lâu dài, đã tác động đến mục tiêu mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, gây hệ lụy trong sử dụng quỹ BHXH ở nhiều địa phương. Vì vậy, đề nghị cần có những giải pháp nhằm khôi phục và phát triển thị trường lao động Việt Nam trong trạng thái bình thường mới, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân như Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra. Ngoài ra, Chính phủ có giải pháp khắc phục tình trạng người lao động thanh toán BHXH một lần, thôi tham gia BHXH ngày càng tăng và kéo dài trong nhiều năm qua, làm ảnh hưởng đến mục tiêu thực hiện chính sách an sinh xã hội theo yêu cầu của Nghị quyết số 42/2021/QH15 của Quốc hội.

Trên lĩnh vực giáo dục, việc môn lịch sử nằm trong nhóm tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông mới được chính thức triển khai từ năm học 2022 - 2023 đối với cấp THPT nhận được nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Bộ GD- ĐT đã có thông tin khá cụ thể về vấn đề này, cũng băn khoăn về tương lai của công tác giáo dục môn lịch sử truyền thống của dân tộc. Theo báo cáo, về tương lai gần là phù hợp.

Tuy nhiên, đề nghị Bộ GD-ĐT cần thận trọng hơn về quyết định này, vừa làm vừa lắng nghe thấu đáo để rút kinh nghiệm điều chỉnh phù hợp. Nên chăng, đối với việc học môn lịch sử, ngành GD-ĐT tạo cần thay đổi trong cách dạy học, cách tiếp cận, biên soạn tài liệu, đổi mới phương pháp, cũng như kỹ năng giảng dạy.

Giả sử, dung lượng, thời lượng giảng dạy và học tập môn lịch sử trong thời điểm này đảm bảo cung cấp đầy đủ lượng kiến thức, hiểu biết của học sinh về lịch sử. Nhưng 10-15 năm sau, khi tốp giáo viên dạy môn Lịch sử thực hiện xong sứ mệnh "người đưa đò", về nghỉ hưu, trong khi số học sinh THPT tại thời điểm này lựa chọn theo đuổi môn lịch sử trong sự nghiệp của mình ngày càng ít đi thì ai sẽ "lái con thuyền" truyền đạt tri thức lịch sử nước nhà cho thế hệ tương lai?

TÂM NHƯ (ghi)