QUỐC HỘI THẢO LUẬN

Lo ngại việc giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước còn chậm

Cập nhật, 22:53, Thứ Tư, 25/05/2022 (GMT+7)

Ngày 25/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42.

Đóng góp tại phiên thảo luận, đại biểu cho rằng, trong báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đều nhìn nhận, năm 2021 chúng ta triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 làm ảnh hưởng toàn diện, sâu sắc đến toàn bộ nền kinh tế- xã hội, có những điều chưa có tiền lệ, vượt ra khỏi dự báo. Tuy nhiên, để phục hồi kinh tế, hàng loạt quyết sách mà Quốc hội, Chính phủ ban hành kịp thời, có hiệu quả, qua đó giúp nền kinh tế đang phục hồi tốt.

Tuy vậy, một số đại biểu bày tỏ lo ngại vấn đề giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước còn chậm và đây là vấn đề đã nói nhiều tại các kỳ họp trước nhưng Chính phủ chưa có giải pháp để tạo chuyển biến tích cực. Dẫn ngay gói kích thích phục hồi kinh tế lên tới 347.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua từ đầu năm 2022 nhưng việc triển khai tới nay rất chậm (thời gian thực hiện gói hỗ trợ này chỉ đến năm 2023). Đại biểu đề nghị, Quốc hội, Chính phủ trong thời gian tới phải tập trung đẩy nhanh hơn nữa việc triển khai các gói phục hồi kinh tế, đi vào cuộc sống để phát huy tác dụng. Các bộ, ngành trung ương tháo gỡ hơn nữa các khó khăn, vướng mắc của các địa phương, doanh nghiệp để làm sao các doanh nghiệp thực sự phục hồi.

Về thực hiện Nghị quyết số 42, qua gần 5 năm triển khai, các mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết về cơ bản đã đạt được, trong đó đã tạo lập khuôn khổ pháp lý để xử lý các khoản nợ xấu, góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc xử lý nợ xấu và duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 2%. Vì vậy, đa số đại biểu thống nhất với đề xuất của Chính phủ kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đến hết ngày 31/12/2023 và đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả của các chính sách mà nghị quyết đã mang lại, nhằm đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, nhất là nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 chưa được xử lý còn cao và dự báo có thể gia tăng trong thời gian tới.

TÂM NHƯ