Cần giữ chân lao động trẻ ở lại nông thôn

Cập nhật, 16:55, Thứ Năm, 02/02/2023 (GMT+7)

 

KCN Hòa Phú (huyện Long Hồ) thu hút hàng chục ngàn lao động cả trong và ngoài tỉnh.
KCN Hòa Phú (huyện Long Hồ) thu hút hàng chục ngàn lao động cả trong và ngoài tỉnh.

Sau Tết, dòng người từ các tỉnh miền Tây (trong đó có Vĩnh Long) lại rời quê để làm việc, học tập. Trong số đó có rất đông người trẻ từ nông thôn (NT) tìm đến làm việc tại các đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, thương mại ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Tình trạng này diễn ra đã nhiều năm qua.

Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chính sách, chủ trương, chương trình lớn nhằm giảm sức dân, giúp nông dân cải thiện, nâng cao đời sống, giữ chân người lao động ở lại NT như dạy nghề, giới thiệu việc làm…

Tuy nhiên có một thực tế là thu nhập của người dân ở NT chậm được nâng cao, chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống đòi hỏi ngày càng cao hơn vì thu nhập chủ yếu từ miếng ruộng, mảnh vườn, chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, trong khi đó ngành nghề ở NT còn đơn điệu, thu nhập khiêm tốn.

Các cơ sở sản xuất, khu - cụm - tuyến công nghiệp đã được đưa về NT nhưng còn ít, quy mô nhỏ, thu nhập và điều kiện sinh hoạt cho người lao động không bằng các tỉnh miền Đông Nam Bộ hoặc TP Hồ Chí Minh, nên lớp trẻ, nhất là người có học thức tiếp tục rời NT.

Do đó, để giữ chân lao động NT ở lại xóm làng, nhất là giới trẻ, thiết nghĩ yếu tố quan trọng nhất là làm sao để nâng cao thu nhập, mức sống của họ. Muốn vậy, địa phương cần quy hoạch, phát triển thêm các khu - cụm - tuyến công nghiệp ở NT, đa dạng hóa hơn nữa ngành nghề ở NT và các loại hình, mô hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản có hiệu quả kinh tế, môi trường, các loại hình dịch vụ trong chương trình xây dựng NTM.

Nhìn sang nước bạn Nhật Bản để học cách giữ chân nông dân ở lại làng xây dựng NTM bằng cách đưa công nghiệp về NT. Nhờ “ly nông bất ly hương” nên thu nhập giữa NT và thành thị ở Nhật Bản tương đương nhau.

Nhờ 2 nhóm chính sách quan trọng là phát triển kết cấu hạ tầng và phát triển tài nguyên con người ở NT. Điện, đường, trường, trạm được đầu tư đúng mức, áp dụng phổ cập giáo dục, phát triển các trường tư thục, cải cách giáo dục bằng nhiều hình thức, đặc biệt bảo tồn và phát triển xã hội NT.

Nhật Bản dựa trên các liên kết xã hội NT của các làng cổ truyền để xây dựng HTX. Biến làng thành nơi cung cấp dịch vụ thiết yếu phục vụ phi lợi nhuận cho nông dân. Gắn NT với công nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, chú ý phát triển ngành nghề NT.

Công nghiệp luôn phục vụ phát triển, NT là thị trường lớn để tích lũy cho công nghiệp. Trong khi đó, nông nghiệp Nhật Bản được cơ giới hóa thích hợp với quy mô sản xuất nhỏ, có đủ phân, thuốc để thâm canh. Cũng nhờ phục vụ tốt cho nông nghiệp nên ngành cơ khí chế tạo máy nông nghiệp Nhật Bản có thể xuất khẩu máy móc nông nghiệp.

Bài, ảnh: MỸ TRUNG