Áp lực học hành

Cập nhật, 13:15, Thứ Ba, 05/04/2022 (GMT+7)

(VLO) Liên tiếp gần đây, nhiều vụ học sinh tự tử xuất phát từ nguyên nhân áp lực học hành gây chấn động dư luận, khiến các bậc phụ huynh bàng hoàng.

Cha mẹ nào cũng đều mong muốn con cái mình sau này là người thành đạt. Tuy nhiên, để một người có thể gọi là thành đạt trong sự nghiệp thì niềm đam mê, ước muốn của cá nhân đó sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy dẫn đến thành công.

Tôi có người anh bà con. Anh học ngành quản trị kinh doanh. Sau 4 năm miệt mài trên ghế nhà trường, 5 năm làm việc ở một công ty đúng chuyên ngành học với mức lương khá ổn định.

Thế nhưng, anh đã quyết định về quê “làm lại từ đầu” với mô hình vườn- ao- chuồng khép kín mà ban đầu “vấp” phải sự phản đối quyết liệt của gia đình. Với quyết tâm, lòng nặng nợ và ước muốn làm giàu từ chính mảnh đất quê hương, anh cần cù, học hỏi, nghiên cứu và không nản sau những thất bại ban đầu.

Giờ đây, mô hình của anh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao đảm bảo cuộc sống gia đình, đáng để nhiều người học hỏi và quan trọng hơn là sự khẳng định học hành không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công.

Nói vậy để thấy, thành tích học tập giỏi, xuất sắc của con là điều mà phụ huynh nào cũng kỳ vọng, mong muốn. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng đủ sức khỏe, trí tuệ để thực thi mong muốn đó.

Cả xã hội ai cũng đua nhau làm “thầy” thì ai sẽ làm “thợ” đây? Đôi khi ép các em học quá nhiều sẽ làm đầu óc các em căng thẳng, có thể gây rối loạn tâm lý, trầm cảm hoặc đến sự “dại dột” mà những sự vụ đáng tiếc vừa qua là lời cảnh báo xót xa.

Học là một trong những điều kiện cần để một người có thể thành công trong cuộc sống, nhất là thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, khi mà khoa học là ưu tiên hàng đầu của sự phát triển.

Tuy nhiên không nên ép con học theo kiểu “nhồi nhét” kiến thức văn hóa bất chấp năng lực của con em mình. Áp lực học hành quá lớn sẽ chiếm hết quỹ thời gian, khiến các em ít giao tiếp, vận động, trải nghiệm cuộc sống, học tập những kỹ năng sống, phân biệt người tốt, kẻ xấu, tệ nạn xã hội để ứng xử, tránh xa,...

Vì vậy, mong rằng các bậc phụ huynh không còn gây áp lực học hành lên con em mình nữa. Hãy lắng nghe, đồng hành và chia sẻ với con em mình. Đồng thời, cơ quan quản lý giáo dục cũng cần tăng cường hơn nữa việc thanh tra, kiểm tra chương trình dạy và học trong nhà trường, xử lý nghiêm những trường chạy theo thành tích, nhất là kiểm soát tình trạng dạy thêm, học thêm,… nhằm giảm áp lực học tập đối với các cấp học sinh hiện nay.

NHƯ Ý

Các tin khác: