Người lao động không còn phải "xin việc"

Cập nhật, 13:54, Thứ Sáu, 18/05/2018 (GMT+7)

“Không có chuyện xin- cho việc làm. Tất cả những nơi nào nói người lao động (LĐ) phải “xin việc” đều là sai”- ông Lê Quang Trung- Phó Cục trưởng Cục Việc làm- khẳng định như vậy tại hội nghị truyền thông về việc làm đối với các cơ quan báo chí phía Nam, do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội vừa tổ chức tại tỉnh Bình Dương.

Người lao động liên hệ tư vấn tìm việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương.
Người lao động liên hệ tư vấn tìm việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương.

Vị trí người LĐ đã cao hơn

Thực tế cho thấy, tại Vĩnh Long thời gian qua, việc tuyển dụng LĐ của các doanh nghiệp trong tuyến- khu công nghiệp (KCN) gặp không ít khó khăn, dẫn đến một số doanh nghiệp bị thiếu LĐ nên sản xuất kinh doanh gặp khó, như: chỉ đạt dưới 50% năng lực sản xuất; không thể mở rộng nhà xưởng…

Cụ thể, Công ty TNHH Sungjin Vĩnh Long Vina (KCN Hòa Phú) dù đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để lắp đặt hệ thống nhà xưởng, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, song, do việc tuyển dụng LĐ gặp khó nên hiện 16 chuyền may của công ty vẫn chưa đưa vào sử dụng. Với trên 800 công nhân may, sản lượng của công ty chỉ đạt dưới 50% năng lực sản xuất theo thiết kế.

Nhiều đơn hàng phải chuyển sang chi nhánh ở Bình Dương sản xuất để kịp cung ứng cho đối tác. Hiện công ty cần tuyển trên 1.000 LĐ có tay nghề may và hàng ngàn LĐ cắt vải, đóng gói, kiểm tra sản phẩm...

Theo đó, công ty có nhiều chế độ đãi ngộ để thu hút LĐ như: có tổ chức bữa ăn giữa ca, lương, thưởng, cùng nhiều phụ cấp khác (phụ cấp chuyên cần, người LĐ có con nhỏ, tiền xăng, nhà trọ…). Tổng thu nhập hàng tháng cho LĐ từ 5 triệu đồng trở lên.

Cũng đóng ở KCN Hòa Phú, mỗi năm, Công ty TNHH Bohsing chỉ cung cấp khoảng 60% sản lượng theo nhu cầu khách hàng. Do khó khăn trong khâu tuyển dụng LĐ nên công ty không thể xây dựng thêm nhà xưởng để mở rộng sản xuất. Hiện, công ty có nhu cầu tuyển dụng 500 LĐ.

Tính đến tháng 4/2018, có gần 30.000 LĐ làm việc trong các tuyến- KCN tỉnh, tăng 755 người so với cùng kỳ năm 2017. Theo đánh giá của các ngành chức năng, hiện các doanh nghiệp đang hoạt động tại các tuyến- KCN trên địa bàn tỉnh cần tuyển dụng 10.000 LĐ.

Ông Lê Quang Trung phân tích: “Gốc của vấn đề ở chỗ, thị trường LĐ ngày càng phát triển. Giờ đây, vị trí của người LĐ và người sử dụng LĐ ngang bằng nhau; thậm chí người sử dụng LĐ còn phải bỏ tiền ra để “săn tìm”, tuyển dụng LĐ, đặc biệt là LĐ giỏi. Vì thế, không có chuyện xin- cho việc làm, các văn bản giấy tờ không có khái niệm “xin việc”.

Ông Lê Quang Trung cho biết thêm, hiện nay không còn “hồ sơ xin việc, đơn xin việc”, mà được gọi là “hồ sơ dự tuyển, phiếu đăng ký dự tuyển”.

Phó Cục trưởng cũng lưu ý, tư tưởng “xin- cho” việc làm cần xóa bỏ ngay từ trong đầu, trong nhận thức của người LĐ và người sử dụng LĐ để từ đó tạo ra sự thay đổi trong hành động, thực tế.

Người LĐ cần trau dồi, nâng cao tay nghề

Nhận định về những vấn đề đặt ra đối với quản lý nhà nước về việc làm của Bình Dương- một trong những thị trường LĐ lớn của cả nước nhưng có đến 81% LĐ nhập cư từ các tỉnh- thành khác, đại diện lãnh đạo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh này cho rằng, các tỉnh- thành đều có chính sách hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư để cạnh tranh thu hút vốn đầu tư, phát triển doanh nghiệp.

Từ đó, tất yếu sẽ dẫn đến cạnh tranh, thu hút nguồn LĐ. Trong khi, doanh nghiệp hiện nay vẫn thiếu hụt nguồn LĐ, tuyển dụng LĐ khó khăn.

Về nguyên nhân tuyển dụng LĐ khó, lãnh đạo các ngành chức năng phân tích: Do có nhiều doanh nghiệp cùng ngành nghề, có nhu cầu số lượng lớn LĐ phổ thông, trong khi mức lương, điều kiện môi trường làm việc của một số doanh nghiệp chưa thu hút…

Tuy nhiên, một phần do người LĐ chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, còn thụ động, chưa biết tự kiếm cơ hội, tự rèn luyện nâng cao trình độ, tay nghề. Bên cạnh, tâm lý thích học ĐH gây ra tình trạng thừa thầy thiếu thợ trên thị trường LĐ.

Trong khi, không ít người tốt nghiệp từ các trường nghề thì khả năng tự học chưa cao, yếu “kỹ năng mềm”, khả năng tiếp cận máy móc công nghệ hiện đại còn hạn chế… nên khó tìm việc.

Còn theo nhận định của Cục Việc làm, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ, đem lại cơ hội việc làm có năng suất cao hơn kèm theo những thách thức về nguy cơ mất việc làm, nhất là trong các ngành LĐ phổ thông.

Từ các thực trạng trên cho thấy, trong bất kỳ hoàn cảnh và thời điểm nào thì để có một công việc ổn định phù hợp với bản thân, người LĐ cũng không được chủ quan mà cần luôn luôn ý thức trau dồi, nâng cao trình độ, tay nghề… để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng LĐ.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- TUYẾT HIỀN