Nhiều quy định mới trong Luật BHXH, BHYT năm 2018

Cập nhật, 15:41, Thứ Tư, 16/05/2018 (GMT+7)

Trong năm 2018 chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) sẽ có nhiều nội dung thay đổi về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện; mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN; Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHXH tự nguyện; tăng mức đóng, mức hưởng thay đổi đối với một số chế độ thai sản dành cho lao động nữ có tham gia BHXH bắt buộc…

Có nhiều chính sách mới về chế độ thai sản dành cho lao động nữ tham gia BHXH bắt buộc.
Có nhiều chính sách mới về chế độ thai sản dành cho lao động nữ tham gia BHXH bắt buộc.

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHXH, BHYT, sau 3 năm tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh thu được một số kết quả quan trọng đã được xã hội ghi nhận.

Tính đến 31/12/2017 toàn tỉnh hiện có 2.170 cơ quan, đơn vị doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT, BHTN với 80.438 lao động được cấp sổ BHXH, thẻ BHYT.

BHXH tỉnh hiện đang tiến hành rà soát, thẩm định quá trình tham gia BHXH của người lao động để tiến hành trả sổ cho người lao động quản lý, tính đến nay tỷ lệ trả sổ cho người lao động đạt gần 90%, phấn đấu đến 30/6/2018 đạt 100%.

Thực hiện công tác phát triển đối tượng, tính đến cuối năm 2017, có 825.935 người tham gia BHXH, BHYT, chiếm 78,5% dân số toàn tỉnh; số thu trên 1.721 tỷ đồng, đạt 101,5% kế hoạch BHXH Việt Nam giao.

Ngoài ra, BHXH cũng giải quyết kịp thời chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động và nhân dân trên 1.670 tỷ đồng; trong đó giải quyết chế độ BHXH, BHTN 76.543 lượt người với tổng số tiền chi trả là 820 tỷ đồng, chi khám chữa bệnh (KCB) BHYT cho 3,1 triệu lượt người với số tiền là 850 tỷ đồng.

Đồng thời, BHXH đã thực hiện tốt công tác thanh tra kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn.

Trong năm 2018, chính sách BHXH, BHYT, BHTN sẽ có nhiều nội dung thay đổi mà người lao động, chủ sử dụng lao động và nhân dân cần hiểu rõ để tham gia thực hiện tốt Luật BHXH, BHYT, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng được quy định.

Cụ thể, đối với BHXH bắt buộc, kể từ 1/1/2018, bổ sung đối tượng bắt buộc tham gia BHXH gồm người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 đến dưới 3 tháng;

người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ.

Về mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, đối với tiền lương do đơn vị quyết định thì các khoản căn cứ tính đóng BHXH, BHYT bao gồm: mức lương ghi trong hợp đồng lao động;

phụ cấp lương là các khoản phụ cấp để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như: phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút;

các phụ cấp có tính chất tương tự. Ngoài ra còn các khoản bổ sung khác gồm: các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

Đối với tiền lương do Nhà nước quy định, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có), trên cơ sở mức lương cơ sở do Nhà nước quy định từng thời kỳ. Bao gồm cả hệ số chênh lệch bảo lưu theo quy định của pháp luật về tiền lương.

Một quy định mới về mức hưởng đối với một số chế độ thai sản dành cho lao động nữ tham gia BHXH bắt buộc là lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.

Đối với đơn vị hành chính và doanh nghiệp nhà nước đóng BHXH cho người lao động theo hệ số lương do nhà nước quy định thì khi tính mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản nhân lương cơ sở tại tháng sinh con.

Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 ngày đến 10 ngày.

Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

Song song đó, chính sách BHXH tự nguyện cũng có nhiều thay đổi, bổ sung, linh hoạt hơn cho người có nhu cầu tham gia. Cụ thể, người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng hàng tháng; đóng 3 tháng một lần; đóng 6 tháng một lần; đóng 12 tháng một lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;

đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Điều đáng lưu ý là khi đóng 1 lần cho 5 năm về sau, người tham gia BHXH được hưởng chiết khấu khi đóng 1 lần cho phương thức này.

Nếu đóng 1 lần cho những năm còn thiếu, tối đa không quá 10 năm cho những người đã đủ tuổi đời về hưu và còn thiếu tối đa không quá 10 năm đóng BHXH để đủ điều kiện 20 năm đóng BHXH hưởng chế độ hưu, phương thức này người tham gia được hưởng lương hưu ngay sau tháng đóng đủ

Từ ngày 1/1/2018 trở đi, Nhà nước hỗ trợ một phần cho người tham gia BHXH tự nguyện theo mức chuẩn hộ nghèo theo quy định. Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể: bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác. Hệ thống đại lý thu BHXH tự nguyện được mở rộng đến 109 xã- phường- thị trấn trong toàn tỉnh.

 


Các khoản không tính đóng BHXH, BHYT, BHTN ở khu vực tiền lương do đơn vị quyết định: tiền thưởng; tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng, xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.


Bài, ảnh: B.THANH- V.TUẤN