Xin ba mẹ đừng "vung tay" với con!

Cập nhật, 15:29, Thứ Sáu, 17/11/2017 (GMT+7)

Những áp lực trong cuộc sống song hành với chuyện con cái nói không nghe… dẫn đến không ít người thiếu kiên nhẫn khi dạy con. Những trận đòn đau, những lời quát mắng vô tình làm ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý tinh thần con, tổn thương con đến trọn đời.

Ba mẹ hãy giáo dục con không đòn roi, không la mắng, hãy giáo dục con bằng tình yêu thương, bằng lý trí để con ngập tràn tiếng cười hạnh phúc.Ảnh minh họa
Ba mẹ hãy giáo dục con không đòn roi, không la mắng, hãy giáo dục con bằng tình yêu thương, bằng lý trí để con ngập tràn tiếng cười hạnh phúc.Ảnh minh họa

Thương con xin đừng cho roi, cho vọt

Cách đây gần 2 tháng, tại TP Vĩnh Long, dư luận bàng hoàng khi hay tin bé V.H.N. (9 tuổi) bị chính mẹ ruột và người dì đánh đập thật dã man.

Người dân sống chung trong khu nhà trọ ở Phường 4 phát hiện, trình báo với chính quyền địa phương và kịp thời đưa bé đến bệnh viện.

Theo hồ sơ bệnh án của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, bé trai nhập viện trong tình trạng đa chấn thương phần mềm, sưng mặt, có nhiều vết bầm cũ và mới ở toàn thân. Theo nhiều người ở cùng nhà trọ, bé trai mới về ở cùng mẹ khoảng 2 tháng, thường xuyên bị mẹ và người dì hành hạ. Cha và mẹ cậu bé đã li dị hơn 5 năm nay.

Nhờ cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và sự điều trị tích cực của các y bác sĩ ở bệnh viện, nên sức khỏe của bé N. hồi phục nhanh chóng và được ra viện. Hiện bé N. được cha đưa về sống chung với bà nội ở Long Hồ.

Sống trong con hẻm thuộc Phường 2 (TP Vĩnh Long), chị Nguyễn Thanh Trúc bức xúc: “Có đêm tôi giật mình bởi tiếng van xin ba mẹ đừng đánh con, con đau lắm của bé gái tầm 5, 6 tuổi.

Cứ mỗi tiếng van xin của bé là nghe tiếng chát chát, tiếng chửi rủa của ba mẹ bé. Tôi nghe mà xót xa cả tim. Một đứa con nít cỡ 10 giờ đêm là đã say giấc, đằng này đứa bé ấy đang bị ba mẹ đánh, mà họ đánh con suốt gần 1 giờ đồng hồ.

Gia đình tôi mới mua nhà ở gần đây, nên không biết được bé ở nhà nào. Sáng hỏi thăm người bán hàng điểm tâm, họ cũng không biết và cười nói trẻ con trong xóm này bị đánh là chuyện thường ngày mà”.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Lan Hải (TP Hồ Chí Minh), không ít cha mẹ cho rằng nếu không dạy con cứng rắn, kỷ luật thì e rằng đứa trẻ đó sẽ không nên người.

Chính ba mẹ ngày nay là những nạn nhân của những áp lực trong đời sống hiện đại, có khi họ là nạn nhân trong quá khứ học cách dạy con “cho roi cho vọt” từ chính ba mẹ mình. Và, câu cửa miệng đáng sợ nhất là “có thương, ba mẹ mới đánh con, mới dạy con nên người”.

Việc lạm dụng đòn roi làm trẻ bị chấn thương về tâm lý và tinh thần. Những hình ảnh của người mẹ, người ba hậm hực, thiếu sự yêu thương sẽ khiến trẻ nhớ suốt đời. Nhiều trường hợp trẻ có những phản ứng tiêu cực hơn, đối phó lại với những hành vi mà ba mẹ đang “trừng trị” chúng.

Ba mẹ cần dùng “kỹ luật tích cực” để dạy con

Chị L.T. (xã Thanh Đức- Long Hồ) hối hận vô cùng khi một lần giận con, chị đã đánh mắng con đến lạc cả giọng.

Con gái 8 tuổi của chị hoảng sợ, khóc: “Mẹ ơi, con lạy mẹ, con đau lắm, con xin mẹ, đừng đánh con nữa, con hổng dám phá, con sẽ nghe lời mẹ, mẹ ơi!” Chị hối hận, xoa những vết roi còn hằn trên mông, trên tay con mà không khỏi xót xa.

Giờ đây, chị dành thời gian học cùng con, chơi cùng con, trò chuyện cùng con nhiều hơn. Con gái không còn rụt rè, e sợ khi bên mẹ mà thương mẹ nhiều hơn. Con thường kể chuyện trường lớp cho ba mẹ nghe.

Khi bé phạm lỗi, con biết nhận ra lỗi của mình, xin lỗi. “Tôi nhẹ nhàng khuyên con, phân tích cái sai khi con phạm lỗi. Hình phạt của con là con sẽ ngồi yên, không được chơi để suy nghĩ về lỗi của mình.

Tôi luôn tự nhắc mình phải cố gắng từng chút một. Thật sự điều đó không hề dễ dàng, tôi đã tập quên đi ký ức buồn bã, những trận đòn roi, chửi mắng lúc nhỏ của mình và bình tĩnh dạy dỗ con, vui mừng với những thành tích dù nhỏ mà con đạt được”.

Những câu nói khi tức giận trong cuộc sống hàng ngày, những câu so sánh con cái mình với con cái nhà người ta của ba mẹ, đang vô tình khiến những đứa con luôn sống trong nỗi đau lớn, bị tổn thương tâm hồn sâu sắc. Các em rất dễ mang những xúc cảm tiêu cực tự ti, mệt mỏi, trầm uất, oán hận, sợ hãi ba mẹ.

Bác sĩ Nguyễn Lan Hải cho rằng đánh con là thể hiện sự bất lực trong cách giáo dục. Ba mẹ cần dùng kỷ luật tích cực: không chiều con mà đặt ra khuôn phép để con tự do làm những gì được phép, khi con xảy ra lỗi kiên quyết phạt con theo quy định đã thống nhất trước đó. Phạt con không được làm điều con thích như không được xem tivi, chơi trò chơi...

Dạy con bằng bạo lực là quan điểm đã cũ, ngày nay chúng ta cần dạy con bằng lý lẽ. Với con, ba mẹ là chỗ dựa an toàn nhất, và hãy để con tiếp tục nuôi dưỡng niềm tin đó tới suốt đời. Đừng để những đòn roi, lời chửi mắng làm tổn thương tâm hồn con.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG