Câu chuyện nông thôn

Đem sách về quê

Cập nhật, 16:53, Thứ Tư, 15/11/2017 (GMT+7)

Tôi vừa ghé thăm nhà của thầy Huỳnh Văn Thế- giáo viên dạy Ngữ văn Trường THPT Mang Thít. Thầy Thế nổi tiếng với việc tổ chức “tết sách” và viết thư xin sách cho học trò 3 năm nay.

Trong căn nhà nhỏ nằm cạnh con đường quê, không có gì quý giá ngoài mấy kệ sách liền kề. Với thầy, đó là cả một gia tài gom góp được dành cho học trò của mình. Một nhóm học trò lớp 10 đang ở nhà thầy Thế đọc sách.

Và chủ nhật này, CLB đọc sách Mang Thít sẽ sinh hoạt chủ đề tháng 11. Nuôi tâm hồn học sinh bằng những trang sách là ước mơ của thầy giáo vùng quê này.

Tôi chợt nhớ những chuyến thư viện sách lưu động đến với học sinh vùng sâu. Những đôi mắt “dán” vào sách không biết chán của các học sinh tiểu học và một buổi cho chương trình dường như chưa thỏa cơn “khát sách” của các em.

Nhưng khi tôi hỏi “cha mẹ có thường mua sách cho con không?- đa số các em đều trả lời là “không”. Trong khi, đây là lứa tuổi tốt nhất để rèn cho các em thói quen đọc sách.

Hỏi “phụ huynh có mua sách cho con đọc không?”- đa số cũng trả lời “không”. Có 3 lý do chính: mua sách làm gì trong khi lên mạng xem cũng được, không có tiền mua sách và ở huyện chỉ có bán sách giải bài tập và sách giáo khoa!

Thư viện trường có sách, sao học sinh không đọc? Phải chăng ý thức đọc sách cần được nuôi dưỡng, rèn luyện từ nhỏ? Phải chăng sách thư viện trường học không hấp dẫn hay sách không được quảng bá bắt mắt? Phải chăng…

Chợt thấy một khách du lịch nước ngoài vừa đi vừa đọc sách. Thầy tôi thường nói, những nước phát triển thì văn hóa đọc của họ rất được đề cao.

CAO HUYỀN