Long Hồ với kế hoạch cho Chiến dịch mùa khô 1967- 1968

Cập nhật, 16:53, Thứ Tư, 15/11/2017 (GMT+7)

 

4 xã cù lao của huyện Long Hồ ngày nay là điểm du lịch nổi tiếng trong cả nước.
4 xã cù lao của huyện Long Hồ ngày nay là điểm du lịch nổi tiếng trong cả nước.

Trong chiến tranh, đặc biệt giai đoạn 1967- 1968, tình hình đời sống người dân Long Hồ vô cùng khó khăn. Ruộng lúa chỉ sản xuất 1 vụ, năng suất chỉ 10- 15 giạ/công, vườn cây đa số là vườn tạp và người dân không thể sản xuất được do bom đạn chiến tranh liên miên.

Nhưng khi có chủ trương của Tỉnh ủy Vĩnh Long, đóng góp sức người, sức của cho Chiến dịch Mậu Thân 1968, người dân Long Hồ nhất quyết một lòng theo Đảng, theo cách mạng, đóng góp tất cả những gì có thể, thậm chí là cả mạng sống người thân ruột thịt và chính bản thân mình.

Điều chỉnh địa bàn Long Hồ trước chiến dịch

Long Hồ là địa bàn trọng yếu bao bọc vùng ven TX Vĩnh Long, do đó giai đoạn 1967- 1968 còn là huyện Châu Thành, nhưng do yêu cầu chuẩn bị cho Chiến dịch mùa khô, đã được Ban chỉ huy tiền phương Quân khu 9 và Tỉnh ủy Vĩnh Long tiến hành điều chỉnh địa giới hành chính.

Theo điều chỉnh này, các xã: An Bình, Đồng Phú, Bình Hòa Phước (lúc bấy giờ thuộc huyện Cái Nhum và các xã Tân Hòa, Tân Hạnh, Tân Ngãi, Long Đức, Long Mỹ (lúc bấy giờ thuộc huyện Châu Thành), được sáp nhập về TX Vĩnh Long).

Các xã: An Đức, Lộc Hòa, Phú Quới, Phước Hậu, Long Hồ về huyện Tam Bình và huyện Châu Thành chỉ còn lại các xã: An Nhơn, An Khánh, Phú Hựu, An Phú Thuận (thuộc Đồng Tháp ngày nay).

Tháng 10/1967, Ban chỉ huy tiền phương Quân khu 9, triệu tập hội nghị ở xã Xuân Hiệp (Trà Ôn), để triển khai kế hoạch mùa khô 1967- 1968, trong đó giao nhiệm vụ cho Vĩnh Long là: đẩy mạnh 3 mũi giáp công, nổi dậy tiến công cả 3 vùng (thị xã, thị trấn; vùng kiềm và vùng nông thôn), trong đó coi vùng thị xã, thị trấn là chính.

Từ đó, Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch lấy TX Vĩnh Long là trọng tâm. Đối với huyện Châu Thành, yêu cầu của kế hoạch là tổ chức phá mảng từ các xã, ấp có tuyến bờ đai ấp chiến lược như: An Hiệp, Hậu Thành, An Thành (xã An Đức) và Phước Ngươn B (xã Phước Hậu) có nhiệm vụ dọn đường tiến quân vào TX Vĩnh Long.

Trong đó, xác định vùng “Tam Tân” là địa bàn quan trọng đối với cuộc tổng tiến công và nổi dậy, bởi vì nơi đây có 2 mục tiêu là Bắc Mỹ Thuận (con đường huyết mạch nối Sài Gòn với miền Tây) và sân bay Vĩnh Long (nơi có tiềm lực quân sự rất mạnh của địch).

Các xã “Tam Long” trong đó có xã Thanh Đức ngày nay, có nhiệm vụ tập kết quân tiến công vào thị xã qua cầu Thiềng Đức.

Riêng các xã cù lao, có kế hoạch phục vụ việc tập kết quân từ lực lượng địa phương quân huyện Cái Nhum. Đại đội 209 TX Vĩnh Long giải phóng đồn bót, đánh tàu địch trên sông Tiền, sông Cổ Chiên.

Từ những yêu cầu đó, Tỉnh ủy chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng lực lượng cả 2 vùng chiến lược và 3 mũi giáp công ở các địa bàn.

Bên cạnh đó, các mục tiêu như chi đoàn thiết giáp ở lộ Bờ Gòn, các hậu cứ ở Bắc Cổ Chiên và các xã: Tân Ngãi, Long Hồ, An Đức... cũng là mục tiêu quan trọng của kế hoạch.

Tấm lòng người dân Long Hồ với cách mạng

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, các xã thuộc huyện Long Hồ ngày nay, theo sự chỉ đạo của Huyện ủy Châu Thành, Huyện ủy Tam Bình và Thị ủy Cái Nhum, đã đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho chiến dịch.

Các chi bộ và cơ sở tại chỗ đảm trách việc đưa rước, bảo vệ, ăn, ở, nhất là đảm bảo bí mật và tuyệt đối an toàn cho lực lượng vũ trang đồn trú trên địa bàn.

Đồng thời, phát động phong trào nhân dân đóng góp cho kháng chiến, đóng góp cho bộ đội đánh giặc. Thành lập ban, tổ tiếp tế để phục vụ cho các hướng tiến công vào TX Vĩnh Long.

Cán bộ, đảng viên chia theo từng tổ vận động, tổ chức họp dân hoặc vận động theo từng địa chỉ gia đình; sau đó phân công đầu mối thu gom bàn giao cho xã. Có những trường hợp để che mắt địch và giữ bí mật cho người đóng góp, người dân giả như đi chà gạo chở lúa đến các máy chà rồi có người đến thu.

Người đi gom tiền, thì giả đi thu hụi hoặc người dân để tiền trong gói giấy cát dưới lư hương bàn thông thiên, đến đêm tối có người đến lấy.

Cũng có trường hợp để lúa ở cầu bến, tối có người chở đi, hoặc có gia đình do tản cư ra vùng ven thì mang gạo, thức ăn ngược về để tại nhà cho bộ đội... Nói chung là phương pháp vận động, phương pháp đóng góp rất đa dạng, nhưng tuyệt đối bí mật.

Công tác tiếp nhận cũng phải tuyệt đối bí mật; tiếp nhận theo hệ thống chân rết, theo các tổ chức công khai như các cơ sở máy chà, chủ trại ghe xuồng...

Phong trào đóng góp được đông đảo nhân dân Long Hồ tham gia nhiệt tình. Người đi quyên góp, người đi xay lúa, người gói bánh, người hậu cần nấu cơm, may cờ, người thì xung phong làm dân công chiến trường... rất nhộn nhịp, nhưng địch không hay biết.

Có người chia 2, chia 3 tài sản cho cách mạng; thậm chí có người chưa thu hoạch lúa cũng chạy đi mượn hàng xóm để đóng góp.

Có nhiều trường hợp cả gia đình 5 người cùng tham gia phục vụ như gia đình bà Huỳnh Thị Đàm ở ấp Phước Ngươn (xã Phước Hậu nay là xã Long Phước); hoặc có gia đình vừa tham gia, vừa đóng góp lớn như ông Nguyễn Thành Thông (ấp An Thành, xã An Bình) có 4 người tham gia phục vụ và đóng góp 100 giạ lúa, 80 chỉ vàng;

ông Nguyễn Thành Sang (ấp Tân Thuận, xã Tân Hạnh) có 1 người tham gia phục vụ hậu cần tại chỗ, nuôi chứa cán bộ và đóng góp 52 giạ lúa, 170.000đ tiền Sài Gòn, 1 ghe và 1 xuồng;...

Theo đánh giá của Huyện ủy Long Hồ, một trong những kinh nghiệm về thành công của cuộc vận động là do Đảng vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Đó là lấy chiến tranh nhân dân làm nền tảng, dựa vào dân, phát huy sức mạnh to lớn và năng lực sáng tạo của nhân dân trong mọi hoàn cảnh.

Trong Chiến dịch Mậu Thân 1968, ở Long Hồ có tổng cộng 533 hộ với 902 người tham gia đóng góp sức người, sức của cho cách mạng.

Tổng số người tham gia dân công hỏa tuyến là 84 người; tham gia hậu cần tại chỗ 319 người; 403 người tham gia nuôi chứa cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Nhân dân đóng góp 10.759 giạ lúa; 33,191 triệu đồng tiền Sài Gòn; 113 chỉ vàng; 159 ghe, xuồng, máy; 85 trâu, bò;... Ngoài ra còn hàng trăm loại thuốc men, nhu yếu phẩm, quy ra tiền hiện nay trên 11,1 tỷ đồng.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG