Dạy làm người

Cập nhật, 09:25, Thứ Sáu, 06/09/2019 (GMT+7)

Hôm qua (5/9), gần 22 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước nô nức dự lễ khai giảng, chính thức bước vào năm học mới 2019-2020.

Tuy nhiên, không phải tất cả học sinh trong nước đều có thể dự lễ khai giảng trong ngày này. Do tình hình thời tiết diễn biến xấu (mưa lớn, nước dâng cao, nhiều nơi bị chia cắt, cô lập) nên việc tổ chức khai giảng không đồng bộ tại nhiều tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Năm học 2019- 2020, ngành giáo dục xác định việc “dạy người”, dạy đạo đức, lối sống, giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh phải là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu và quyết tâm triển khai hiệu quả. Theo các chuyên gia, thực chất khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” chính là phương châm giáo dục đúng muôn đời và đúng với tất cả các nền giáo dục. Trong hành trình đổi mới giáo dục hôm nay, phạm trù “lễ” vẫn được coi trọng trong ứng xử của các mối quan hệ xã hội.

Gióng hồi trống khai giảng năm học mới tại Trường THPT Sơn Tây (TX Sơn Tây- Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những chia sẻ ngắn với các thầy cô giáo, học sinh của trường: “Tại buổi lễ này, tôi muốn nói với các thầy cô, các em một ý: Năm học mới, bên cạnh tiếp tục dạy, học hiệu quả các môn văn hóa, mà người ta gọi là dạy chữ thì các thầy cô của trường cần quan tâm hơn đến giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh tức là dạy người, để các em học sinh phát triển toàn diện, phát huy năng lực sáng tạo.

Con người phải có đức có tài mới đóng góp được cho đất nước, cho gia đình ấm no, hạnh phúc. Dạy chữ đã quan trọng rồi, dạy người, dạy đức, dạy lối sống văn hóa càng quan trọng hơn trong thời kỳ chúng ta hội nhập sâu rộng”.

Năm học mới bắt đầu từ một lễ khai giảng- vì học sinh như mong muốn của thầy trò chứ không phải vì đại biểu đến dự - “đúng nghĩa cho các em” như lời hứa của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã được thực hiện. Hy vọng rằng đó là mở đầu cho sự đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục.

 

HOÀNG HÀ