Áp lực thi cử!

Cập nhật, 05:47, Thứ Năm, 28/06/2018 (GMT+7)

Như vậy, gần 1 triệu thí sinh cả nước vừa hoàn thành kỳ thi sau 12 năm đèn sách.

Chúng ta có thể cảm nhận kỳ thi năm nay qua gương mặt thí sinh sau khi rời phòng thi.

Nếu như mùa thi năm trước, các em đón phụ huynh trước cổng trường với những nụ cười tươi rói thì năm nay hầu hết thí sinh rời phòng thi với tâm trạng nặng nề, không ít học sinh trường chuyên rơi nước mắt vì đề dài và khó.

Một điều cần nhìn nhận, Bộ GD-ĐT đang rất cố gắng để đạt được 2 mục tiêu xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH. Năm 2017, đề ra “lỏng tay” nên điểm rất cao, không có tính phân loại, điểm 10 tràn lan. Năm 2018, do các chỉ trích về kỳ thi năm ngoái, Ban ra đề quốc gia “siết chặt” nhưng có vẻ lại hơi quá tay, đề khó hơn hẳn năm ngoái.

Song song đó là thông tin về những điểm thiếu chuẩn xác, rối rắm trong đề thi. Cách thức tổ chức kỳ thi rất nặng nề, tốn kém. Tâm lý thí sinh, phụ huynh rất căng thẳng.

Cần nhìn nhận, những kết quả đổi mới đã và đang đạt được của ngành GD-ĐT thời gian gần đây thể hiện rõ nét qua kỳ thi THPT quốc gia, làm tiền đề cho những đổi mới tiếp theo, trong đó có đổi mới về kiểm tra, đánh giá trong giáo dục.

Thế nhưng, điều lo lắng của phụ huynh, học sinh là lộ trình đổi mới thi cử của Bộ GD-ĐT được thay đổi liên tục. Những phụ huynh có con đang học lớp 10, lớp 11 lại sẽ thấp thỏm, âu lo là năm sau nữa thì thi cử sẽ thế nào? Nhưng theo Bộ GD-ĐT, phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 sẽ tiếp tục được áp dụng trong năm tới với những điều chỉnh hợp lý trên cơ sở rút kinh nghiệm thực tiễn, đồng bộ với quá trình đổi mới giáo dục phổ thông.

Vì vậy, dư luận mong mỏi nếu có những điều chỉnh, đổi mới, Bộ GD-ĐT sớm công bố để học sinh, phụ huynh không bị rơi vào thế bị động. Cũng như, phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia từ sau năm 2020, nếu có thay đổi, hy vọng sẽ theo hướng nhẹ nhàng hơn với xã hội mà vẫn đảm bảo chất lượng, tính phân loại học sinh và trung thực, khách quan. 

HOÀNG HÀ