"Dũng sĩ diệt tham nhũng!"

Cập nhật, 06:16, Thứ Năm, 14/06/2018 (GMT+7)

Hôm qua, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Một trong những nội dung mới, có tính đột phá trong dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) là xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc.

Về phương án xử lý tài sản, thu nhập không giải trình hợp lý còn nhiều ý kiến khác nhau. Một số đại biểu tán thành phương án đánh thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%, nhưng cũng có ý kiến đề nghị áp dụng thuế suất lũy tiến như Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Phương án 2- xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị chênh lệch, tăng thêm- được một số đại biểu lựa chọn, nhưng cũng có ý kiến đề xuất tăng mức phạt lên 75%.

Một số đại biểu thì đề nghị đối với tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý thì tạm giữ cho đến khi các cơ quan chức năng điều tra, nếu chứng minh được tài sản này hợp pháp thì trả lại; nếu do vi phạm pháp luật, phạm tội mà có thì thu hồi theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Có ý kiến đề xuất cần phải thu hồi toàn bộ tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.

Ở chiều ngược lại, cũng có những người đề nghị cân nhắc việc áp dụng biện pháp xử lý cho hợp lý, tránh ảnh hưởng đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công chức. Số khác cho rằng, dù áp dụng biện pháp nào thì cũng phải qua trình tự, thủ tục tố tụng để bảo đảm khách quan.

Có đại biểu cho rằng: “Trong chống Mỹ có dũng sĩ diệt Mỹ thì trong thời điểm hiện nay cần có dũng sĩ diệt tham nhũng…”

Lần đầu tiên chúng ta đặt ra việc xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Đây là vấn đề liên quan đến quyền sở hữu tài sản- quyền cơ bản của công dân đã được Hiến định.

Hy vọng, trên cơ sở thảo luận của các đại biểu, Quốc hội sẽ cân nhắc thận trọng, lựa chọn được phương án khả thi nhất để vừa đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng, vừa bảo đảm quyền sở hữu tài sản của công dân.

HOÀNG HÀ