Báo chí thời công nghệ 4.0

Cập nhật, 05:16, Thứ Sáu, 22/06/2018 (GMT+7)

Không cần nhìn lại cả chặng đường 93 năm hành trình của lịch sử báo chí nước nhà, chỉ so sánh một giai đoạn cỡ 2- 3 thập niên gần đây đã thấy rõ sự thay đổi quá lớn của nền báo chí Việt Nam trong thời kỳ công nghệ số.

Có thể tự hào khẳng định, những ưu điểm, thành tựu của báo chí vẫn là dòng chảy chủ đạo. Tuy nhiên, công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển nhanh, cùng sự ra đời của các loại hình,

mô hình truyền thông, là thách thức với báo chí truyền thống khi đứng trước yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời, nhưng vẫn bảo đảm định hướng trước nhiều luồng thông tin khác nhau.

Nhiều ý kiến cho rằng, tiện ích công nghệ thông tin giúp người làm báo viết bài nhanh hơn, sửa chữa dễ, tra cứu thông tin kịp thời.

Mặt khác, công nghệ thông tin phát triển nhanh, giúp nghề báo hiện nay tạo được hiệu ứng mạnh mẽ với những tin, bài nóng cập nhật hàng ngày, hàng giờ, thậm chí trên từng giây và tương tác hiệu quả với công chúng…

Trong môi trường năng động này, đòi hỏi người làm báo luôn trong tư thế sẵn sàng, linh hoạt để có được thông tin nhanh nhất, đầy đủ nhất.

Với nhà báo, quy trình tác nghiệp đã thay đổi. Một nhà báo giỏi không thể chỉ biết viết bài, chụp hình gửi về tòa soạn mà phải biết kết hợp nhiều công đoạn để sản phẩm xuất hiện trên trang báo hay mạng xã hội... có hình hài phù hợp.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà chúng ta đang nói đến là xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trên quy mô lớn trong các công nghệ chế tạo.

Báo chí là cách thức làm nội dung sáng tạo, đa phần tạo ra sản phẩm đơn chiếc, nhưng không nằm ngoài xu hướng này.

Đã có rất nhiều công nghệ mới ra đời dành cho lĩnh vực báo chí như công nghệ viết tin tự động, máy tự học có thể sản xuất những nội dung đơn giản với tốc độ nhanh, tạo ra nhiều phiên bản khác nhau cho nhiều đối tượng.

Công nghệ sẽ hỗ trợ các nhà báo rất nhiều từ khâu thu thập thông tin, phân tích dữ liệu cho đến sản xuất nội dung và phân phối sau đó.

Nhưng trong báo chí, máy móc sẽ không thể thay thế con người. Ít nhất trong tương lai gần, những nhà báo bằng xương bằng thịt vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc mang đến cho độc giả những thông tin trung thực, công bằng và cân bằng.

Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà GS.TS Đỗ Thị Thu Hằng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nói rằng, người làm báo phải tiên phong định hướng công chúng.

Công nghệ phải phục vụ con người và những người làm báo cần cân nhắc sử dụng chúng cho hiệu quả, đừng mải nghĩ tới công nghệ mà quên đi nền tảng. 

HOÀNG HÀ