Ưu tiên hàng đầu phòng chống dịch COVID-19

Cập nhật, 09:20, Thứ Năm, 02/12/2021 (GMT+7)

Trong tháng 11/2021, kinh tế- xã hội của tỉnh có bước phục hồi và nhiều chuyển biến tích cực so với tháng trước, nhưng tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp tác động đến nền kinh tế trong tháng 12 và dự kiến cả năm 2022.

Tại cuộc họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 11, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Quang Ngời nhấn mạnh chỉ đạo: “Ưu tiên hàng đầu là phòng chống dịch COVID-19, vì chủ động phòng chống dịch tốt, hiệu quả, thì chúng ta sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ khác”.

Sản xuất kinh doanh có bước phục hồi trong tháng 11 nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn.
Sản xuất kinh doanh có bước phục hồi trong tháng 11 nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn.

Kinh tế phục hồi trong khó khăn

Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong tháng 11, tình hình dịch COVID-19 trong nước và trong tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của lãnh đạo tỉnh, địa phương, nhất là thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128 của Chính phủ, cùng sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, nên kinh tế- xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo đó, sản xuất nông nghiệp tương đối thuận lợi; sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước… tăng so với tháng trước. Cụ thể so với tháng trước, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2021 ước tăng 17,43%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng ước đạt 4.576,8 tỷ đồng, tăng 7,36%; tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng ước đạt 31,8 triệu USD, tăng 37,07%; doanh thu vận tải ước đạt 91,3 tỷ đồng, tăng 17,82%...

Tuy có bước tăng trưởng so với tháng trước, nhưng số liệu kinh tế chung cho thấy nền kinh tế còn nhiều khó khăn, do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19 nên sản xuất công nghiệp, thương mại- dịch vụ, xuất khẩu,... giảm mạnh so với cùng kỳ.

Cùng với đó, thu ngân sách nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn; việc làm, đời sống người dân, người lao động bị ảnh hưởng. So với cùng kỳ năm trước, IIP giảm 7,11%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt giảm 5,81%; tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 15,43%; doanh thu vận tải giảm 23,79%...

Hoạt động du lịch của tỉnh trong những tháng cuối năm vẫn trầm lắng, không có bước tiến mới. Mặc dù nhiều địa phương đã nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm tái khởi động các hoạt động du lịch nhưng người dân vẫn lo ngại và cảnh giác cao với dịch bệnh; các khu vui chơi, giải trí tiếp tục tạm dừng hoạt động nên các cơ sở du lịch lữ hành chưa thể hoạt động trở lại.

Ông Võ Quốc Thanh- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng: “Sản xuất công nghiệp của tỉnh chịu ảnh hưởng lớn do phần lớn doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, nội lực yếu, thiếu căn cơ. Lĩnh vực nông nghiệp còn khó khăn, trong khi lĩnh vực công nghiệp- dịch vụ đối mặt giá cả đầu vào tăng cao, tổng cầu tiêu dùng suy giảm… sẽ ảnh hưởng các chỉ tiêu kinh tế năm 2021 và cả năm 2022”. Trong tháng còn lại của năm, ông Quốc Thanh đề nghị các địa phương đẩy nhanh khối lượng thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, cũng như chuẩn bị kế hoạch đầu tư công năm 2022 ngay từ bây giờ.

Có kịch bản ứng phó dịch tại đơn vị mình

Từ nhận định tình hình sản xuất kinh doanh sẽ “rất khó khăn”, theo ông Phạm Tứ Phương- Giám đốc Sở Công thương: “Sản xuất có tăng trưởng nhưng không theo mong muốn. Tình trạng thiếu hụt lao động, nguồn vốn sẽ tác động giá trị sản xuất công nghiệp giảm rất nhiều”.

Ngành công thương đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như: giảm giá điện, tăng cường các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại… Đến nay, đã tính phương án bình ổn thị trường dịp tết, “tất cả mạng lưới phân phối hàng hóa trong tỉnh đã cam kết bán hàng bình ổn giá trước Tết 1 tháng. Bên cạnh đó, ngành cũng vận động tiểu thương các chợ tham gia bình ổn các mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu cho người dân”- ông Tứ Phương cho biết.

Đánh giá cao việc các ngành, các cấp đã nỗ lực để nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh có bước phục hồi; tuy nhiên, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp với ca nhiễm trong cộng đồng cao.

Do đó, ông Lữ Quang Ngời nhấn mạnh: Tiếp tục tập trung, ưu tiên cho phòng chống dịch COVID-19; theo dõi sát, nắm chắc tình hình, diễn biến và có biện pháp linh hoạt đối với tình huống cụ thể trong công tác phòng chống dịch. Không được lơ là, chủ quan; sẵn sàng nguồn lực, phương án ứng phó với nguy cơ dịch bệnh.

“Các cơ quan, doanh nghiệp phải chuẩn bị kịch bản ứng phó khi đơn vị mình phát sinh trường hợp F1, F0… để không bị động, gián đoạn các hoạt động. Thực hiện nghiêm Nghị quyết 128, ban hành, áp dụng các hướng dẫn cách ly F1 tại nhà, hướng tới điều trị F0 tại nhà theo quy định và phải khoa học. Tăng cường tuyên truyền sâu rộng hơn nữa trong nhân dân, tạo sự đồng thuận và chung tay của cả cộng đồng trong phòng chống dịch COVID-19; đặc biệt là tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K”- ông Lữ Quang Ngời lưu ý.

Nhất là từ 30/11/2021, Vĩnh Long nâng cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh từ cấp 2 (nguy cơ trung bình) lên cấp độ 3 (nguy cơ cao), các sở, ban, ngành và các địa phương công bố cấp độ dịch cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết để tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đúng quy định.

Ưu tiên phòng chống dịch, không lơ là, chủ quan.
Ưu tiên phòng chống dịch, không lơ là, chủ quan.

Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở ngành, địa phương cần nắm tình hình các cơ sở sản xuất kinh doanh để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đảm bảo chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa thông suốt. Phải quyết liệt thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng cơ bản. Đảm bảo kế hoạch sản xuất nông nghiệp, tiêu thị nông sản, quản lý, kiểm soát thị trường… Đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tuyên truyền chính sách giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo kế hoạch.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC