Phỏng vấn

Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân sẽ là nền tảng tốt để kinh tế phục hồi

Cập nhật, 07:22, Thứ Tư, 01/12/2021 (GMT+7)

Vĩnh Long đã thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128 của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, từ đó phát huy tính chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế- xã hội. Đây là tín hiệu lạc quan, nhưng qua 1 năm ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nền kinh tế của tỉnh đã chịu tác động như thế nào?

Khái quát tình hình kinh tế- xã hội, ông Hà Văn Ban- Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Long, nhận định: Năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 30.305,3 tỷ đồng, giảm 1,05% so với năm 2020, đây là năm đầu tiên mà tỉnh Vĩnh Long có mức tăng trưởng kinh tế âm, tính từ trước đến nay. Trong mức giảm chung của nền kinh tế thì khu vực nông nghiệp- thủy sản tăng 0,76%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 1,36%; khu vực dịch vụ giảm 3,51%.

Ông Hà Văn Ban- Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Long.
Ông Hà Văn Ban- Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Long.

Dịch COVID-19 bùng phát từ đầu tháng 7 với tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm, diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe, tính mạng của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh trên mọi lĩnh vực của nền kinh tế, trong bối cảnh nhiều địa phương trong cả nước nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng phải thực hiện giản cách xã hội kéo dài.

* PV: Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng thế nào đến việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế- xã hội của tỉnh năm 2021, thưa ông?

- Ông Hà Văn Ban: Năm 2021, ước tính có 8 chỉ tiêu chủ yếu thực hiện đạt và vượt kế hoạch. Đó là: (1) Tổng tỷ suất sinh; (2) Tỷ lệ xã, phường có Trung tâm văn hóa- thể thao cấp xã, có tổ chức hoạt động văn hóa cộng đồng; (3) Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế; (4) Số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng thêm; (5) Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung; (6) Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn; (7) Tỷ lệ chất thải, nước thải y tế được thu gom xử lý; (8) Tỷ lệ các khu, cụm CN có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn.

Đây là các chỉ tiêu thuộc nhóm xã hội và môi trường, trong năm 2021 mặc dù tình hình kinh tế có sự tụt giảm nhưng nhờ thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đầu tư thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, kết cấu hạ tầng nên hầu hết các chỉ tiêu về xã hội và môi trường đều đạt và vượt. Tuy vậy, những chỉ tiêu đó chưa tác động lớn đến sự tăng trưởng cũng như bù đắp cho sự tụt giảm trong lĩnh vực kinh tế.

* PV: Vâng, qua đó cũng cho thấy nhiều chỉ tiêu về kinh tế chưa đạt so kế hoạch đề ra, sẽ tác động gì đến tăng trưởng kinh tế chung, thưa ông?

- Ông Hà Văn Ban: Năm 2021 ước tính giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp- xây dựng giảm 1,36%, khu vực dịch vụ giảm 3,51% so với năm 2020. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại dịch vụ. Tăng trưởng âm năm 2021 của một số ngành chiếm tỷ trọng lớn như công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 7%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 4%, dịch vụ lưu trú ăn uống giảm 23,21%, dịch vụ vận tải giảm 20%, dịch vụ du lịch lữ hành và dịch vụ khác giảm 40% đã tác động làm giảm mức tăng chung của khu vực công nghiệp- xây dựng và khu vực dịch vụ từ đó ảnh hưởng đến sự sụt giảm chung của nền kinh tế trong toàn tỉnh. Hiện 2 khu vực này chiếm tỷ trọng 61,74% trong tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế trong tỉnh.

* PV: Còn khu vực nông nghiệp- thủy sản có mức tăng trưởng dương, điều này có ý nghĩa thế nào với nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn, thưa ông?

- Ông Hà Văn Ban: Mặc dù cũng chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong chuỗi cung ứng sản xuất- chế biến- tiêu thụ nông sản, song ngành nông nghiệp đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế. Năng suất lúa tăng khá, sản lượng cây ăn trái tăng cao, chăn nuôi tăng trưởng ổn định. Tỷ trọng ngành nông nghiệp- thủy sản chiếm 38,26% trong cơ cấu nền kinh tế, giá trị gia tăng của ngành năm 2021 tăng 0,76%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm vào tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế, góp phần làm hạn chế tốc độ suy giảm chung của sự tăng trưởng kinh tế trong tỉnh.

Tôi cho rằng, trong thời gian tới nên chuyển đổi mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, hướng đến phát triển bền vững. Tổ chức liên kết hiệu quả vùng nguyên liệu với sơ chế, chế biến, bảo quản để tăng tính chủ động và nâng cao giá trị gia tăng. Tăng cường ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ chế biến sau thu hoạch; đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng, có liên kết sản xuất- tiêu thụ nông sản, hướng đến hình thành chuỗi sản xuất và chuỗi
tiêu thụ.

* PV: Qua một năm nhiều khó khăn bởi đại dịch COVID-19, với những giải pháp tỉnh đã và đang thực hiện nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Ông dự báo như thế nào về tình hình phát triển kinh tế của tỉnh Vĩnh Long trong thời gian tới và năm 2022, thưa ông?

- Ông Hà Văn Ban: Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021- 2025. Kinh tế- xã hội trong tỉnh dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng chưa từng có do tác động của dịch COVID-19 gây ra, trong ngắn hạn khó phục hồi do nguồn lực tái đầu tư giảm sút và những yếu kém nội tại của nền kinh tế sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp và công tác thu ngân sách, giải quyết việc làm, an sinh xã hội.

Mặc dù vậy, tình hình chính trị- xã hội và kinh tế được duy trì ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện; các mặt công tác về an sinh xã hội được duy trì thực hiện tốt; niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân ngày càng tăng lên… sẽ là điều kiện, nền tảng tốt để kinh tế phục hồi. Cùng với đó, là nhiều chính sách của Chính phủ nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục những khó khăn do tác động của dịch COVID-19, đặc biệt là chủ trương mới đây của Chính phủ về chuyển trạng thái sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Bên cạnh, những nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong phòng chống dịch COVID-19, trong phát triển các ngành lĩnh vực, nhất là hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

* PV: Xin cảm ơn ông!

TRẦN PHƯỚC (thực hiện)