Người dân Vĩnh Long đồng lòng chống dịch COVID-19

Cập nhật, 07:53, Thứ Bảy, 10/07/2021 (GMT+7)

 

Người dân TP Vĩnh Long đồng lòng thực hiện nghiêm giãn cách xã hội. Trên những tuyến đường vốn đông đúc, giờ lặng lẽ rất ít người.
Người dân TP Vĩnh Long đồng lòng thực hiện nghiêm giãn cách xã hội. Trên những tuyến đường vốn đông đúc, giờ lặng lẽ rất ít người.

Từ 12h ngày 9/7/2021, tỉnh Vĩnh Long thực hiện giãn cách xã hội theo vùng nguy cơ rất cao và nguy cơ cao để siết chặt phòng chống dịch COVID-19 trong bối cảnh số ca nghi nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng lên hơn 80 ca. 14 ngày thực hiện giãn cách xã hội được xem là thời gian vàng để ngành y tế và nhân dân tỉnh Vĩnh Long nhanh chóng khống chế được dịch.

Hiểu đúng để tuân thủ nghiêm túc về giãn cách xã hội

Theo bác sĩ Văn Công Minh- Giám đốc Sở Y tế, Phó Ban Thường trực BCĐ Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, trong ngày 9/7, tỉnh Vĩnh Long ghi nhận thêm 26 ca nghi mắc COVID-19, nâng số ca nghi mắc trong cộng đồng của tỉnh lên 83 ca. Hầu hết các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng đều có yếu tố dịch tễ ngoài tỉnh, là người dân sang khám bệnh và về địa phương. Tỉnh đã truy vết cách ly tập trung trên 800 F1 và cách ly tại nhà, nơi cư trú trên 2.000 F2.

Ngành y tế Vĩnh Long dự báo số ca mắc COVID-19 trong tỉnh sẽ còn tiếp tục tăng từ các trường hợp F1 đã được cách ly và nguồn lây từ ngoài tỉnh vào còn tiềm ẩn nguy cơ rất cao.

2 ngày qua, lượng người từ TP Hồ Chí Minh đổ về các tỉnh miền Tây trên tuyến QL 1 đoạn qua địa bàn Vĩnh Long tăng cao. Tại cửa vào TP Vĩnh Long, tối 8/7, lượng người từ TP Hồ Chí Minh đi qua Chốt kiểm soát số 1 và số 2 tăng khá cao, tất cả phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khi vào địa phận TP Vĩnh Long đều được các chốt tiến hành kiểm soát y tế, đo thân nhiệt, kiểm tra tính pháp lý của giấy xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh âm tính với SARS-CoV- 2 còn trong thời hạn 72 giờ. Hầu hết người trở về quê đều có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2. Riêng những trường hợp không có giấy thì được các yêu cầu quay đầu xe không cho vào địa bàn TP Vĩnh Long.

Trước tình hình dịch COVID-19 lây nhiễm phức tạp, khó kiểm soát trên địa bàn tỉnh, chiều 8/7/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long ra Công văn 3658 đánh giá mức độ nguy cơ và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

12h trưa 9/7, Vĩnh Long cũng bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội trong vòng 14 ngày với TP Vĩnh Long, huyện Bình Tân, huyện Long Hồ và huyện Tam Bình. 4 huyện- thành nói trên phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch tương ứng mức “nguy cơ rất cao”, người dân được khuyến cáo phải ở nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết.

Thực hiện giãn cách xã hội, mọi người dân ở tại nhà, được phép lao động, sản xuất tại gia đình và thu hoạch nông sản theo từng hộ gia đình tại vườn, vùng sản xuất của địa phương; chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết và các trường hợp khẩn cấp khác; không tập trung quá 3 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; dừng tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh trừ các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ thiết yếu; dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng…

Đối với 4 huyện- thị còn lại: TX Bình Minh, huyện Mang Thít, Vũng Liêm và Trà Ôn áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng với mức “nguy cơ cao”. Thời gian áp dụng từ 12 giờ ngày 9/7. Các địa phương ở mức “nguy cơ cao” sẽ dừng các hoạt động tập trung từ 30 người trở lên, không tụ tập 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu giữ khoảng cách tối thiểu 2m tại nơi công cộng; thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với toàn bộ người dân trên địa bàn …

Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh: Biện pháp phòng chống dịch phải thực hiện nghiêm: 5K+ vắc xin+ ý thức+ công nghệ và chế tài. Ý thức người dân rất quan trọng, có thể coi là “lá chắn” trong công cuộc phòng chống dịch. Chỉ cần mỗi người dân phát huy tinh thần tự giác, biến mình thành một chiến sĩ, trực tiếp chiến đấu trên mặt trận dịch bệnh thì sẽ đẩy lùi COVID-19, không lây lan cho cộng đồng.

Người dân Vĩnh Long đồng lòng chống dịch COVID-19

Dù việc thực hiện giãn cách xã hội sẽ khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng, thế nhưng các tầng lớp nhân dân rất ủng hộ với chủ trương này, cùng đồng lòng, chung tay đẩy lùi dịch COVID-19.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Vĩnh Long, những tuyến đường Nguyễn Huệ, Trưng Nữ Vương, đường Trần Đại Nghĩa, đường Phạm Thái Bường, đường Nguyễn Văn Thiệt, Công viên Truyền hình Vĩnh Long,… với nhiều hàng quán, kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, thì trong ngày đầu tiên thực hiện giãn cách hầu hết đều đóng cửa, ngay cả hàng quán trong hẻm cũng thực hiện nghiêm.

Với nhiều người, sức khỏe bản thân, gia đình, cộng đồng lúc này là trên hết. Chị Trần Thúy Vy (Chủ quán Trà sữa Kim tea- TP Vĩnh Long) cho biết: “Quán tôi đã đóng cửa sớm hơn 10 ngày qua để phòng chống dịch COVID-19. Tôi và mẹ cùng các em nhân viên của quán nấu những suất cơm, tặng nước suối để hỗ trợ lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch. Đó một phần nhỏ của tập thể Kim tea để chung tay cùng tỉnh nhà chống dịch. Hy vọng, tỉnh sớm dập tắt dịch và cuộc sống bình thường trở lại”.

Có thói quen ăn sáng, cà phê mỗi ngày cùng gia đình, nhưng khi tỉnh Vĩnh Long suất hiện ca mắc cộng đồng đầu tiên thì cả nhà chị Nguyễn Thị Kiều Oanh (Phường 3- TP Vĩnh Long) đã thay đổi thói quen, nấu ăn sáng, tự pha cà phê tại nhà và đi chợ “mua 1 lần ăn 3 ngày” để hạn chế ra đường. “Tôi nấu súp chia nhỏ để trong hộp cấp đông trong tủ lạnh, sáng chỉ cần rã ra hâm nóng là có tô mì, tô nui ngon lành cho cả nhà. 2 con và anh xã cũng quen dần với việc nội trợ còn vụng của tôi, nhưng không sao giờ cả nhà còn sum họp, ăn uống vui khỏe là mừng rồi. Dịch bệnh nguy hiểm, mình an toàn cũng giúp cộng đồng an toàn”- chị Kiều Oanh cho biết.

Với các cơ quan, đơn vị Nhà nước, việc giãn cách xã hội ở vùng nguy cơ rất cao UBND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà. Chỉ những trường hợp thật sự cần thiết, như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở. Đồng thời, các cơ quan cần tăng cường tổ chức họp trực tuyến.

Người dân mua sắm hàng hóa thiết yếu trong siêu thị cũng nghiêm túc thực hiện biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Người dân mua sắm hàng hóa thiết yếu trong siêu thị cũng nghiêm túc thực hiện biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Diễm (Phường 8- TP Vĩnh Long) cho biết: “Vô cơ quan tuân thủ nghiêm quy định “5K”, giờ giãn cách nên một nửa làm việc tại cơ quan, một nửa làm việc trên máy tính tại nhà. Ngoài khẩu trang y tế, cả nhà chị xài thêm khẩu trang vải, cứ thay ra khi ra ngoài và giặt sạch; nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ. Đi làm xong là về nhà, hạn chế tối đa khi ra đường, dù có phần hơi buồn nhưng nhà nhà chấp hành nghiêm, dịch bệnh sẽ hết”.

Để việc thực hiện này đạt hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng thì quan trọng hơn hết vẫn rất cần sự chung tay, đồng lòng từ phía người dân. Hiện ngành y tế đang nỗ lực trên cả sức mình vì người dân Vĩnh Long thì chúng ta nên “ở nhà” vì ngành y tế!

Chỉ khi nào người dân thực hiện nghiêm quy định của việc giãn cách này, người cách ly người, gia đình cách ly gia đình, xã cách ly xã… chỉ đi ra ngoài khi thực sự cần thiết và thực hiện nghiêm, đúng quy định “5K” của Bộ Y tế thì dịch COVID-19 sẽ không lây lan trong cộng đồng, cuộc sống mới sớm trở lại bình thường như trước đây.

TS. bác sĩ Hồ Thị Thu hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh- cho biết: “Đối với dịch bệnh xảy ra ở KCN là vấn đề lớn của tỉnh, có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng rất cao bởi CN tiếp xúc gần rất nhiều. Song, người dân cũng bình tĩnh, không quá lo lắng mà cần chung tay thực hiện tốt khuyến cáo “5K”, chỉ đi ra ngoài khi thực sự cần thiết. Những trường hợp thuộc diện F1, F2 khi ngành y tế truy vết cũng thành thật khai báo rõ ràng lịch trình tiếp xúc để ngành y tế có những giải pháp phù hợp, tránh lây nhiễm cho cộng đồng”.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN