Nhớ nhà báo, liệt sĩ Nguyễn Hiếu Tự

Cập nhật, 20:19, Thứ Ba, 22/06/2021 (GMT+7)

 

Trường THPT Nguyễn Hiếu Tự tổ chức họp mặt nhân ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2020. Ảnh: Tư liệu nhà trường
Trường THPT Nguyễn Hiếu Tự tổ chức họp mặt nhân ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2020. Ảnh: Tư liệu nhà trường

Nhân kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ Cửu Long xin trân trọng giới thiệu nhà báo Nguyễn Hiếu Tự, nhân đó giới thiệu đôi nét về ngôi trường THPT mang tên ông tọa lạc tại thị trấn Vũng Liêm (huyện Vũng Liêm).

Nhà báo, liệt sĩ cách mạng Nguyễn Hiếu Tự tên thật là Nguyễn Văn Nhứt. Ông ra đời năm 1912 tại ấp An Điền, xã Trung Hiếu, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, trong một gia đình nông dân có học thức. Ông là người con thứ mười một của cụ Hương bộ Nguyễn Nhiên Đăng và bà Phạm Thị Ngọc.

Sau khi học xong trường trong tỉnh, ông lên Sài Gòn học Trường Huỳnh Khương Ninh. Ông học giỏi, được các mạnh thường quân ủng hộ, dự kiến du học ở Pháp. Nhưng do tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên, học sinh Sài Gòn, ông bị cắt học bổng. Từ đó, ông tiếp tục hoạt động cách mạng ở Sài Gòn.

Năm 1936, Mặt trận Bình dân Pháp lên nắm quyền. Phong trào đấu tranh của báo chí Sài Gòn đòi dân sinh, dân chủ phát triển mạnh. Ông tham gia viết báo Dân chúng (bằng tiếng Việt và tiếng Pháp). Đây là tờ báo của Đảng Cộng sản hoạt động công khai, có tiếng vang. Ông tích cực viết báo để tuyên truyền chủ nghĩa Marx- Lenin và đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ chống thực dân Pháp và bọn tay sai. Đồng thời ông còn tham gia vào diễn đàn báo chí cách mạng đòi tự do cho những nhà hoạt động chính trị.

Tháng 9/1939, chính quyền phản động lên thay, thực dân Pháp cấm Đảng Cộng sản hoạt động, đình bản tờ báo Dân chúng. Ông bị bọn thực dân Pháp bắt giam và sau đó bị trục xuất khỏi Sài Gòn.

Ông về quê tiếp tục hoạt động. Ông tổ chức cửa hiệu bán sách tại chợ Cầu Vĩ (Hiếu Phụng), chợ Quới An (xã Quới An). Điểm bán sách báo cũng là nơi liên hệ công tác, tuyên truyền vận động quần chúng, gây dựng cơ sở đảng. Ông cùng với các đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Quảng Trọng Hoàng, Ngô Thị Huệ, Phan Văn Hòa (tức cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt) xây dựng và phát triển phong trào đấu tranh cách mạng ở tỉnh Vĩnh Long.

Tháng 9/1940, trong lúc chuẩn bị triển khai kế hoạch khởi nghĩa Nam Kỳ, đồng chí Trần Văn Bảy- Bí thư Tỉnh ủy- bị bắt tại cơ sở Tỉnh ủy ở cầu Lầu (nay thuộc Phường 4- TP Vĩnh Long), cùng bị bắt còn có ông Mai Văn Tám- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tam Bình. Thời điểm này, Nguyễn Hiếu Tự là Tỉnh ủy viên, trước tình hình dầu sôi lửa bỏng đó, ông được Tỉnh ủy phân công làm Bí thư Huyện ủy Tam Bình và trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đêm 22 rạng ngày 23/11/1940 tại huyện Tam Bình giành thắng lợi mức độ. Riêng tại thị trấn Cái Ngang, quân ta diệt địch, bao vây đánh bọn chi viện, gây cho chúng nhiều thiệt hại.

Sau cuộc khởi nghĩa, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp, bố ráp, tìm kiếm, vây bắt những người yêu nước. Ông bị bắt giam ở Khám Lớn Vĩnh Long, rồi giải về Sài Gòn giam ở quận Nhà Bè… Chúng dùng mọi cực hình tra tấn dã man, tàn bạo để khai thác, nhưng ông vẫn luôn giữ vững khí tiết của người Cộng sản. Ông đã anh dũng hy sinh tại nhà tù Nhà Bè vào tháng 11/1941 khi vừa tròn 29 tuổi. Lúc hy sinh, ông đã có vợ và một con gái.

Với công lao và những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, ông được Nhà nước công nhận là liệt sĩ; Hội Nhà báo Việt Nam truy tặng Huy chương Vì sự nghiệp Báo chí; Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương truy tặng Huy chương Vì sự nghiệp Tư tưởng văn hóa.

Hiện nay, tại huyện Vũng Liêm có một ngôi trường mang tên ông. Đó là Trường THPT Nguyễn Hiếu Tự. Tiền thân của trường là Trường Cấp 2-3 Vũng Liêm B, được thành lập ngày 21/8/1995. Quy mô lúc ban đầu có 22 lớp, với gần một ngàn học sinh. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường ban đầu mới thành lập có 26 người, nhiều môn không có hoặc thiếu giáo viên phải nhờ đến giáo viên thỉnh giảng. Cơ sở vật chất khi mới tách trường rất khó khăn, chỉ có 10 phòng học, không có các phòng chức năng, trụ sở văn phòng và không có sân trường. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện, ngành giáo dục và các ngành liên quan, sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, giáo viên; Trường Cấp 2-3 Vũng Liêm B đã có sự thay đổi và phát triển qua từng năm học.

Ngày 22/11/2010 là một ngày đáng nhớ đối với đội ngũ giáo viên, công nhân viên nhà trường: Lãnh đạo huyện Vũng Liêm đã tổ chức lễ đổi tên trường thành Trường THPT Nguyễn Hiếu Tự cho đến nay. Sau đó, nhà trường được tiếp nhận cơ sở vật chất của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Vũng Liêm, nhờ vậy nhà trường được bổ sung thêm 11 phòng học, 1 hội trường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học.

Quy mô của trường tăng dần về số lớp và học sinh. Năm học có số lớp và số học sinh nhiều nhất là 41 lớp với 1.765 học sinh. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên dần ổn định về biên chế. Năm học 2020-2021, đội ngũ có 79 người.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Vũ cho biết đối với học sinh đầu cấp lớp 10, nhà trường tổ chức sinh hoạt truyền thống về tên gọi của trường, giúp học sinh nắm được nội dung, ý nghĩa của ngôi trường mang tên nhà báo, liệt sĩ Nguyễn Hiếu Tự- người con anh dũng của quê hương Vũng Liêm anh hùng.

PHONG LAN