Con đường lúa gạo miền Tây

Cập nhật, 14:50, Chủ Nhật, 20/06/2021 (GMT+7)

 

Tìm hiểu về nông cụ xưa với nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường (phải).
Tìm hiểu về nông cụ xưa với nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường (phải).

Mỗi một chuyến đi ngay trên xứ sở miền Tây chừng như những chuyến trở về và càng đi, càng ngẫm, càng thấm lại càng thấy té ra sống một đời mình cũng chắc gì hiểu hết những trăn trở của cánh đồng. Khác nào nhai hạt gạo mòn răng, chắc gì hiểu hết cuộc đời cây lúa. Phía sau cánh đồng, phía sau những nụ cười chân chất của nông dân là bao nhiêu trăn trở, bao nhiêu niềm vui trộn lẫn nỗi buồn.

Nó không chỉ là vấn đề của hiện tại và tương lai, mà còn là câu chuyện của chiều dài lịch sử khẩn hoang trên vùng đất này, là một gia tài văn hóa đồ sộ cần được gìn giữ, phát huy làm nền tảng xây dựng một giá trị, bản sắc cũng là thương hiệu cho “hạt lúa, cọng rau” của tương lai. Loạt bài “Sứ mệnh bảo tồn di sản nông nghiệp ĐBSCL” (đăng trên báo Vĩnh Long hồi tháng 8/2020 vừa đạt giải C giải Báo chí quốc gia năm 2020- LTS) đã được khởi đi từ những ý niệm ban đầu như thế.

Nền tảng lịch sử- văn hóa của di sản nông nghiệp

Nghĩ là thế nhưng khi bắt tay thực hiện đề tài thì chúng tôi như bị “chết chìm” trong một vấn đề quá rộng lớn, phải bắt đầu từ đâu và kết thúc chỗ nào, có lối ra hay giải pháp cho vấn đề này chăng, trong khả năng, tầm nhìn hạn hẹp của mình? Trong khi đồng bằng còn mãi loay hoay với câu chuyện thường niên “được mùa mất giá”, cả cộng đồng phải đôn đáo chuyện “giải cứu nông sản”, nông dân chỉ nghĩ về những vụ mùa và chỉ biết cầu mong đầu ra suôn sẻ như thể chuyện “hên xui”. Cùng với những vấn đề ảnh hưởng do tác động quá nhiều yếu tố bất thường của thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu xuất hiện với chu kỳ ngày càng thường xuyên hơn. Một nền nông nghiệp rất dễ bị tổn thương, trong một xu thế hội nhập ngày càng có nhiều yếu tố tác động và sự cạnh tranh khốc liệt.

Và những chuyến đi qua khắp các cánh đồng miền Tây, chắp nối những chuyện đời, chuyện người cả chuyện xưa, chuyện nay, với mong mỏi vẽ nên những đường nét khái quát nhất con đường từ thuở phôi thai hình thành nên những cánh đồng bát ngát hôm nay. Đó không đơn thuần là chuyện khai hoang, canh tác sản xuất, mà là cả một chiều sâu gốc rễ nền văn hóa được hình thành trong những hoàn cảnh lịch sử hết sức đặc biệt, có sự tiếp nối, tiếp biến, sự giao thoa, va đập giữa những nền văn hóa, đã làm nên một di sản nông nghiệp đồ sộ của đồng bằng hôm nay.

Trên quan điểm, lịch sử- văn hóa là nền tảng, là động lực của phát triển, thì xây dựng nền nông nghiệp bền vững, mạnh mẽ trong quá trình hội nhập, cần song hành với những yếu tố cơ học, kỹ thuật, tiên tiến, không thể thiếu cái “chân đế” của văn hóa truyền thống trong nông nghiệp, nông thôn. Đó là lý do chúng tôi bắt đầu câu chuyện từ 2 cánh đồng lớn miệt đầu nguồn đồng bằng là tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Chính là nơi còn lưu dấu nền nông nghiệp cổ xưa, cũng là vùng đất có ảnh hưởng đặc biệt đến cả khu vực từ hàng ngàn năm trước cho đến hôm nay và cả mai sau.

Trên vùng đất này, con người từ xa xưa vốn đã biết xây dựng hệ thống thủy lợi và trồng cây lúa nước. Đồng thời cũng biết ứng phó thông minh với những đợt “biển tiến”, “biển lùi”, bằng lối canh tác và thiết lập đời sống cộng đồng thích ứng với mọi hoàn cảnh biến đổi của môi trường. Có thể gọi đó là thủy tổ của con đường lúa gạo miền Tây; nhưng phải đến khi cư dân Việt vào đây tiến hành công cuộc khai khẩn lớn nhất trong lịch sử, mới thực sự khai thác hết những ưu đãi thiên nhiên như “lộc trời” ban tặng cho vùng đất này.

Từ trung tâm văn hóa Óc Eo (Tri Tôn- An Giang), ngược về núi Sam (Châu Đốc) dâng hương lên di tích tiền nhân Thoại Ngọc Hầu- người đã mở đầu công cuộc tiếp thụ và cải biến nền văn minh lúa nước bản địa chuyển qua giai đoạn mới bằng trí tuệ, mồ hôi, xương máu của cư dân Việt; chúng tôi bắt đầu tìm theo dấu tích con đường hạt lúa miền Tây cũng là đi tìm những mảnh ghép của di sản văn hóa nông nghiệp đồng bằng trong mấy trăm năm qua.

Những dấu chân trên cánh đồng miền Tây

Phải đi vào tận rốn phèn Đồng Tháp Mười, để có thể gặp lại những hạt lúa cổ xưa nhất của xứ này, hạt lúa tự sinh ra và lớn lên theo mùa nước nổi hàng năm nuôi sống con người. May thay, hạt lúa ấy vẫn được canh giữ, bảo tồn một cách tốt nhất trên 2 khu bảo tồn thiên nhiên Láng Sen (Long An) và Tràm Chim (Đồng Tháp). Nhưng thật sự cảm động và nể phục, chính là câu chuyện về một “dị nhân” dành trọn đời mình để biến giống lúa trời cổ xưa trở thành giống lúa hiện đại có khả năng kháng sâu rầy mạnh, vừa chịu được ngập sâu lại chịu được hạn mặn mạnh nhất thế giới, vẫn có thể phát triển tốt trong đất nhiễm phèn. Câu chuyện dẫn dắt chúng tôi ngược đường về phía đầu nguồn Tân Châu, gặp “ông Thần lúa” Hoa Sỹ Hiền.

Những câu chuyện xoay quanh giống lúa cổ xưa ở đầu nguồn, giúp chúng tôi hiểu được vì sao bà con nông dân ở vùng này vẫn thủy chung giữ gìn giống lúa mùa nổi, dù có trải qua bao nhiêu đổi thay, áp lực của năng suất, thị trường, hàng trăm nông dân ở Tri Tôn vẫn quyết giữ khu ruộng ngập nước trong mấy thập niên qua. Giờ đây, vùng ruộng lúa mùa nổi đang dần mở rộng lên gần 200ha, phục hồi gần như nguyên vẹn hệ sinh thái bản địa, lối canh tác lành tính, “thuận thiên” đã chứng minh tính đúng đắn của nó. Nếu để đưa ra thế giới hạt gạo “bản sắc Việt Nam” nhất, tương lai cần có hạt lúa mùa. Đó là nông sản chứa đựng đầy đủ giá trị lịch sử- văn hóa của đồng bằng.

Người ở xa đến thoạt nhìn xứ đồng bằng này sao “y chang nhau”, nhưng thực sự nó vô cùng đa dạng, phong phú chỉ ngay trong lĩnh vực văn hóa nông nghiệp. Nếu miệt trên là xứ len trâu, thì miệt thứ Hậu Giang, U Minh lại là xứ cầm trâu. Vì chuyện cầm trâu và khai phá “vùng đất mới” miệt Hậu Giang, nên chúng tôi đổ đường về Sóc Trăng, Bạc Liêu, về tận U Minh tìm những người xưa còn sót lại kể chuyện xưa.

Xứ cầm trâu xưa trên đồng lúa Thạnh Trị (Sóc Trăng).
Xứ cầm trâu xưa trên đồng lúa Thạnh Trị (Sóc Trăng).

Từ cánh đồng Nọc Nạng, nơi có cuộc nổi dậy đẫm máu đầu tiên thể hiện phản kháng của nông dân với địa chủ và thực dân Pháp, chúng tôi xuôi về U Minh Hạ theo dấu chân xưa những nông dân bỏ xứ vì không có mấy đồng xu đóng thuế. Từ tận cùng đói khổ, từ miệt rừng U Minh, nông dân đã tìm thấy ánh sáng cách mạng, con đường đổi đời nông dân và “thân phận” của hạt lúa, cánh đồng. Đó cũng là lý do, nơi đây chúng tôi bắt gặp nhiều đền thờ Bác Hồ, nhiều gia đình nông dân lập bàn thờ Bác Hồ cùng với bàn thờ tổ tiên ông bà mình.

Cuộc di dân trải mấy trăm năm đã giao thoa với nền văn hóa bản địa ngàn năm, đó là câu chuyện lịch sử- văn hóa kỳ vĩ, có chứa đựng một gia tài đồ sộ trong di sản nông nghiệp đồng bằng của tiền nhân để lại. Bằng cách nào đó, trao truyền lại cho những thế hệ tiếp nối sự hiểu biết sâu sắc, tình yêu mạnh mẽ để cùng nhau giữ gìn, phát huy những giá trị bản sắc của đất nước mình, dân tộc mình. Đó là những trăn trở của câu chuyện hẳn còn rất dài phía trước.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG