Chuyện con rùa

Cập nhật, 22:41, Thứ Sáu, 09/07/2021 (GMT+7)

 

Nhiều năm nay, rùa trở thành một trong những loài động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng, được Nhà nước bảo vệ.
Nhiều năm nay, rùa trở thành một trong những loài động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng, được Nhà nước bảo vệ.

Mỗi khi đùa vui với nhau, bạn bè tôi hay ghẹo: “Mày đúng là dân xứ bác Ba Phi”. Bạn ngoài tỉnh nói vậy tức đang ám chỉ tôi là người Cà Mau; còn người Cà Mau thì họ biết tỏng tôi cùng quê với Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi, tức bác Ba Phi nổi tiếng. Mỗi khi “bị” nói như vậy, tôi chẳng những không tự ái mà có chút tự hào, bởi mình được sinh ra và lớn lên ở vùng đất được ban tặng nhiều sản vật thiên nhiên, được thêu dệt thành những câu chuyện mang màu sắc huyền thoại, mà nếu không tận mắt chứng kiến, chỉ nghe qua lời kể thì e tôi cũng cho rằng người ta đang… nói dóc.

Nhà ba má tôi ở Khánh Hưng, còn nhà bác Ba Phi ở Khánh Hải, 2 xã giáp ranh thuộc vùng ngọt của huyện Trần Văn Thời. Từ chỗ tôi qua chỗ bác chỉ chừng 10 cây số đường chim bay. Bác Ba Phi, theo giấy tờ lớn hơn ông nội tôi chừng 10 tuổi. Ba tôi, thời thanh niên từng có một thời gian làm nghề buôn bán cá đồng, ông kể đã từng gặp bác Ba Phi ngoài đời. Ðó là một người đàn ông cao lớn, khoẻ mạnh, mặt vuông, trán trợt, mà đặc biệt là tính tình vui vẻ, dễ gần.

Trong nhà, tôi nhỏ nhất nên thường được ba ưu tiên dẫn theo mỗi khi ra ngoài. Ði làm ruộng, cắm câu, giăng lưới, đặt lờ, đặt lọp, bẫy chim, bắt chuột… tôi mặc nhiên chiếm suất cầm đồ nghề cho ba, có khi chỉ đi theo để cầm… bọc thuốc gò, trong đó đựng tấp thuốc, cuộn giấy quyến với chiếc hộp quẹt vuông vắn đốt bằng tim bông gòn tẩm dầu lửa.

Tôi sinh ra sau chiến tranh vài năm. Thời đó, nông thôn tuy nghèo, nhưng nhịp sống khá sôi động, đồng nghĩa với những sản vật thiên nhiên đã giảm nhiều so với những câu chuyện bác Ba Phi kể. Nhưng với những gì được chứng kiến, tôi dám khẳng định nhiều câu chuyện bác kể là thật. Ông chỉ hư cấu, thêm thắt tình tiết, nói “quá” lên một chút cho hấp dẫn người nghe và gây cười, vậy thôi.

Ba tôi biết khá nhiều chuyện kể của bác Ba Phi. Ði theo ba, gặp chuyện gì liên quan đến chuyện bác Ba Phi là ông lại kể tôi nghe. Ví dụ, mỗi khi ngắm đám lúa mùa xanh mướt, ba kể cho tôi nghe chuyện lấy lưỡi nai bằng tre vót mỏng. Gặp ổ ong thì ba kể chuyện ong đóng tổ dọc bắp chân; bắt được rắn thì y như là tôi được nghe chuyện con rắn hổ mây tát đìa bắt cá trong rừng…

Trong số những câu chuyện ba kể, tôi thích nhất là chuyện “Tàu rùa”. Lần nào bắt được rùa, tôi đều bắt ba kể lại chuyện này. Chuyện là, một lần bác Ba Phi "nổi hứng" bắt rùa đi bán. Bác đậu ghe ven mé rừng rồi lên bờ đốt cỏ, tụi rùa sợ lửa kéo nhau chạy theo cây cầu bắc sẵn, xuống đầy cả ghe. Rùa nhiều quá khiến bác Ba phải chọn, bằng cách gạt bỏ những con nhỏ xuống sông. Tuy nhiên, bầy rùa không bỏ cuộc, mà đeo từng chùm theo mạn rồi đẩy ghe đi băng băng như tàu chạy. Ra tới chợ, sợ xuồng ghe chở khẳm bị sóng đánh chìm, bác Ba phải liên tục hò hét cảnh báo bà con “đây là tàu rùa, không giảm tốc độ được”.

Chuyện có bấy nhiêu thôi, nhưng nghe đi, nghe lại nhiều lần vẫn thích. Và một lần nữa, tôi khẳng định chuyện tàu rùa của bác Ba kể là “có cơ sở”, bởi chuyện ông kể trước khi tôi ra đời chừng nửa thế kỷ, nhưng đến thời điểm tôi đủ khả năng quan sát, nhận xét, đánh giá xung quanh, tức là chừng hơn 30 năm trước thì rùa ở Cà Mau vẫn còn rất nhiều. Rùa xứ Cà Mau thuộc giống rùa nước ngọt, chủ yếu là rùa ba gờ, rùa nắp và một số ít rùa vàng.

Dân Cà Mau thời đó hầu như không có phương tiện nào chuyên bắt rùa, nhưng do số lượng còn nhiều nên chúng thường bị bắt một cách rất mặc nhiên. Ví dụ cái lọp làm ra là để bắt cá, nhưng hầu như lần nào dỡ lọp cũng dính rùa. Tôi nhớ, một cái lọp tre, họng dài chừng 3-4 tấc, đặt một đêm bắt được chừng 3-4 con rùa là chuyện bình thường. Có những cái lọp được ém chỗ ưng ý, lâu ngày mới dời đi. Một hai ngày ra thăm, dỡ lên thấy dính cá, tôm thì bắt ngay, còn nếu thấy trong đó một hai con rùa thì người ta lại đặt xuống, chờ tới ngày dời lọp mới bắt luôn một thể. Tới bữa dời lọp, thì gần như cái họng lọp nào cũng đầy cứng rùa và rùa, đổ ra lủ khủ trong khoang xuồng. Những con rùa nhỏ leo lên be xuồng chạy trốn, người ta cũng chẳng thèm để ý. Rùa dính lọp thường lớn bằng cái chén, hoặc cái tô vừa. Thỉnh thoảng có những con rùa lớn, cửa lọp thì nhỏ, ba tôi phải mang cả cái lọp vô nhà, cắt bỏ vài cây nan mới lôi ra được.

Ðặt lờ thỉnh thoảng cũng bắt được những con rùa nhỏ, rùa con. Tôi thường đem chúng về chơi, bỏ vào mấy cái chum, cái hũ nuôi, chán thì đem thả ra mấy cái ao quanh nhà. Mùa hạn, làm cỏ đìa, lôi vạt cỏ lên thế nào cũng bắt được vài con rùa trong đó.

Rùa thường làm ổ khi mưa đầu mùa, lúc nhà nông vào mùa nhổ cỏ đám mạ. Bữa nào đi nhổ cỏ cũng bắt được một hai con rùa làm ổ dưới lớp phân của mấy đám mương phèn. Năm tôi học cấp 1, nhà có nuôi hai con chó rất khôn. Mỗi khi đi ruộng, nghe tiếng hai con chó sủa rát, chạy lại thế nào cũng gặp rùa đang làm ổ, chỉ việc hốt về. Rùa thỉnh thoảng cũng mắc mồi câu nhưng rất ít.

Nhà tôi xưa có cái khạp da bò, lúc nào cũng rọng lủ khủ rùa trong đó. Rùa bắt về thường đem luộc, xé chấm muối tiêu ăn kèm rau răm. Mỗi khi bắt được rùa lớn thì nấu cà ri. Riêng tụi con nít, hễ “buồn buồn” là bắt một hai con rùa nhỏ nhỏ, đốt lửa nướng ăn chơi như mấy đứa nhỏ ở chợ… ăn bánh snack bây giờ. Mai rùa làm sạch, phơi khô được làm dụng cụ chơi nhà chòi, hoặc gắn bốn bánh xe, buộc dây kéo chơi.

Rùa nhiều thì bắt, nhưng theo tôi biết dân nông thôn hồi đó không mấy ai thích ăn thịt rùa. Cái món hữu dụng nhất của con rùa sau khi bị làm thịt là cái yếm của nó, được dự trữ để lâu ngày… bán ve chai, mà người ta quen gọi là ghe bong bóng. Yếm rùa nhà nào nhà nấy phơi cả giàn để chờ bán.

Hễ nghe tiếng kèn “tò tét tò tét” là đám con nít ùa ra ngoắt lại bán yếm rùa, với giá rẻ như cho. Tôi nhớ, cả rổ yếm rùa, đem ra chất đầy cây cân giá mấy bận mới hết nhưng cũng chỉ đổi được lít nước mắm mặn chát, muốn ăn nước mắm ngon thì phải bù thêm tiền. Nếu gặp ông chủ ghe hào phóng một chút, tụi con nít sẽ được cho mấy cái bong bóng hiệu “Thanh Dung” xanh xanh đỏ đỏ, vẽ những hình thù ngộ nghĩnh.

Con rùa cũng gắn với thời niên thiếu của tôi bởi những lần “chơi ngu”. Người ta hay nói “chậm như rùa” và bảo cứ thả con rùa xuống nước là không bao giờ bắt lại được. Tôi đã thử vài lần, và đúng thế thật. Rùa gặp nước là nó thoát đi rất nhanh, không cách gì bắt kịp. Rồi chuyện “rùa cắn trời gầm không nhả”! Hồi nhỏ, tôi đã vài lần thử cho… rùa cắn, và đúng là không có cách gì làm cho nó nhả ra. Chỉ tới lúc lấy cái đầu sống dừa se lỗ mũi thì nó mới nhả, để lại cái dấu sâu hoắm, rướm máu tươi.

Rùa ở xứ ngọt Cà Mau ít dần khi nhiều nông dân ban vườn làm ruộng. Các con mương sâu, nhiều cỏ là nơi trú ngụ ưa thích của rùa nhường chỗ cho những mảnh ruộng phẳng lì.

Khi số lượng giảm, bỗng nhiên rùa trở thành đặc sản của dân nhậu. Một số người xem chuyện ăn thịt rùa như một cách thể hiện đẳng cấp, lại còn rỉ tai nhau thịt rùa bổ dưỡng, làm tăng “sức mạnh đàn ông”. Rùa tăng giá nhanh nên bị săn lùng ráo riết. Một con rùa nhỏ xíu bị bắt người ta cũng đem bán lấy vài chục hoặc hơn trăm ngàn đồng. Khách khứa, đãi đằng nhau thì vẫn cứ quan niệm thịt rùa mới sang, mới quý. Loài vật hiền lành, chậm chạp này ngày càng ít thấy trong tự nhiên. Theo tôi, rùa ở Cà Mau giờ chỉ còn trong các khu rừng đặc dụng được bảo tồn nghiêm ngặt, bên ngoài chẳng có bao nhiêu. Xứ tôi, năm mười năm nay hoạ hoằn lắm mới bắt được rùa, nhưng cũng là rùa nhỏ, không lớn như hồi trước.

Từ nhiều năm nay, rùa là một trong những loài động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng được Nhà nước bảo vệ bằng nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, các hành vi săn bắt, vận chuyển, mua bán rùa đều bị cấm với chế tài nghiêm khắc. Lực lượng kiểm lâm Cà Mau đã nhiều lần bắt, xử phạt người vi phạm và thả khá nhiều cá thể rùa quý hiếm về tự nhiên, nhưng xem ra hành vi vận chuyển, buôn bán trái phép loài động vật này vẫn còn diễn ra. Ði ra chợ, thỉnh thoảng vẫn gặp những con rùa tội nghiệp bị nhốt trong lồng chờ khách, mà phần nhiều là các chủ quán nhậu tới mua. Cách đây vài hôm, thấy một chị bán cá trong chợ Phường 5 có chừng 5-6 con rùa, một con cỡ từ 1,5-2 kg, hỏi giá thì chị bảo 350.000 đồng/kg. Thấy tôi muốn chụp hình, chị dáo dác nhìn, sợ bị ban quản lý chợ phát hiện. Tôi hỏi, bình thường muốn mua rùa ăn có không, chị bảo lúc nào cũng có, chỉ cần điện trước. Hỏi nguồn gốc thì chị chỉ cười, không chịu tiết lộ.

Dưới chân cầu Cà Mau, dù ít khi đi chợ, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn thấy người ta bày những cái lồng bán rùa một cách “nửa lén lút, nửa công khai”. Vào các quán nhậu hạng sang, rùa vẫn được trưng bày ở những vị trí thuận lợi nhất để mời gọi thực khách lắm tiền.

Với tình hình này, nếu không có các biện pháp bảo vệ hữu hiệu, e rằng không bao lâu nữa, hình bóng con rùa ở xứ Cà Mau sẽ chỉ tồn tại trong những câu chuyện kể của... bác Ba Phi!

Theo Báo Cà Mau