Trách nhiệm xã hội của người làm báo thời hiện đại

Kỳ cuối: Luôn giữ cho "mắt sáng, lòng trong, bút sắc"

Cập nhật, 05:53, Thứ Tư, 23/06/2021 (GMT+7)

 Người làm báo cần đến tận nơi chứng kiến, tìm hiểu bản chất của sự việc để thông tin trung thực, khách quan, nhiều chiều.
Người làm báo cần đến tận nơi chứng kiến, tìm hiểu bản chất của sự việc để thông tin trung thực, khách quan, nhiều chiều.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công việc viết báo và làm báo. Người luôn đặt câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?... Với Bác, “cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”.

Soi chiếu vào những điều Bác dạy, mỗi người làm báo hôm nay cần luôn giữ cho mình “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, không ngừng học hỏi, trau dồi, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Hướng xã hội đến những điều tốt đẹp

Bàn về trách nhiệm của người làm báo hôm nay, nhà báo Thúy Quyên (Báo Vĩnh Long) cho rằng: “Nghề báo dạy cho chúng tôi biết yêu thương cuộc sống, trân quý gia đình, bản thân, công việc và hạnh phúc của mình. Và rồi, sau những chuyến đi, chúng tôi lại được học nhiều, biết nhiều hơn”.

Để bắt nhịp làm báo hiện đại thì thông tin phải nhanh, chính xác. Người làm báo phải đi đến nơi xảy ra sự việc, gặp, nghe, ghi chép để nắm bắt thông tin thực tế, để tác phẩm báo chí cung cấp cho độc giả luôn mang hơi thở cuộc sống; cần quan tâm sức khỏe, rành công nghệ thông tin và phải đa năng.

Nhà báo Trần Phước trong chuyến tác nghiệp ở An Phú (An Giang) viết về mùa nước nổi.
Nhà báo Trần Phước trong chuyến tác nghiệp ở An Phú (An Giang) viết về mùa nước nổi.

Cùng với đó, mỗi nhà báo cần phải học tập và rèn luyện nghiệp vụ, đầu tư chiều sâu vào lĩnh vực mình phụ trách; quan điểm chính trị vững vàng, có đạo đức nghề nghiệp…

Từng là người làm báo thời chiến, ông Ngô Ngọc Bỉnh (Sáu Kỳ)- nguyên Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, Chủ tịch danh dự Hội Người khuyết tật, Bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long: Trong chiến tranh, người làm báo phải ra chiến trường ác liệt. Người làm báo ngày nay có những thuận lợi và khó khăn riêng. Tuy nhiên, phải nắm chắc chủ trương, pháp luật, sâu sát với dân và phải chịu đi thực tiễn để có thông tin làm báo.

Nhà báo Nguyễn Thịnh (Báo Vĩnh Long) trăn trở: Trong bối cảnh công nghệ thông tin và mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ, đặt ra cho mỗi nhà báo trách nhiệm nặng nề hơn.

Không đơn thuần chỉ là sự cạnh tranh giữa báo chí và mạng xã hội mà trước hết, nhà báo phải biết xử lý thông tin, xác minh và truyền tải tới công chúng những thông tin có trách nhiệm, không thể vì “chạy thời sự” mà đánh mất tính trung thực, khách quan, xa rời thực tế.

Vì vậy, các thông tin sai trái trên mạng xã hội cần được xác minh, phản biện công khai và kịp thời.

Đồng thời, trong quá trình phản ánh hiện thực xã hội, báo chí và người làm báo cần chú trọng tính nhân văn, đó cũng là trách nhiệm với xã hội, phải đứng bên con người, giúp con người tin và hướng về những điều tích cực hơn, làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

Phóng viên Phương Thúy (Báo Vĩnh Long) thì nói, trách nhiệm của người làm báo là đi, nhìn, hiểu, là người sâu sát ở cơ sở thì sẽ là người truyền tải tiếng nói, nguyện vọng của người dân.

Các sự kiện, hoạt động của địa phương, của đất nước đều có “tiếng nói” của báo chí. Trong ảnh: Báo chí tác nghiệp tại đảo Phú Quốc.
Các sự kiện, hoạt động của địa phương, của đất nước đều có “tiếng nói” của báo chí. Trong ảnh: Báo chí tác nghiệp tại đảo Phú Quốc.

Và ngược lại, là người làm tuyên truyền, nắm được đường lối, chính sách thì từ những trang viết của mình để người dân dễ hiểu nhất và thực hiện nó.

Muốn vậy, người làm báo phải là người có đạo đức nghề nghiệp, tôn trọng sự thật, luôn học hỏi, trau dồi không ngừng để tiếng nói của mình, dù là nhỏ thôi, có ảnh hưởng tích cực đến xã hội.

Nhà báo Trần Văn Thuận- Phó Trưởng Phòng Thời sự Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long cho rằng, thách thức nhiều nên trách nhiệm của nhà báo thời hiện đại càng nặng nên “nghe phong thanh thì không đưa tin, phải tận mắt chứng kiến và tìm hiểu bản chất của nó”.

Trước những “rừng thông tin”, nhà báo Trần Văn Thuận cho rằng, người làm báo phải hết sức bình tĩnh, tìm hiểu sâu, tới nơi tới chốn một vấn đề nhưng phải nói ít hơn những gì mình nắm. Đồng thời, cần nêu cao tính chiến đấu của báo chí và quan trọng nhất là đạo đức nhà báo.

Trách nhiệm với thông tin là trách nhiệm xã hội

Nhấn mạnh “trách nhiệm thầm lặng, tự thân của người làm báo”, nhà báo Lê Ngọc Thúy- Phó Tổng Biên tập Báo Vĩnh Long nói: “Sự phát triển của công nghệ thông tin đặt ra yêu cầu người làm báo phải làm khó bản thân để nâng cấp sản phẩm của mình, đưa ra tác phẩm tốt nhất của mình vào thời điểm đó. Đó chính là trách nhiệm”.

Cũng theo nhà báo Lê Ngọc Thúy, cạnh tranh thông tin dẫn đến áp lực về thời gian nhưng người làm báo phải nhanh, kịp thời và phải chính xác, không hấp tấp, cẩu thả trong đánh giá vấn đề, xác minh nguồn tin. Đó chính là cái hiện đại.

Theo đó, một nhà báo hiện đại cần thận trọng, cân nhắc đưa thông tin như thế nào, ở mức độ nào, bao nhiêu chi tiết, đưa trước để kịp thời nhưng cần tìm hiểu sâu mới đưa tiếp…

Đó là trách nhiệm thầm lặng”. “Còn một trách nhiệm xã hội nữa, đó là “máu nhà báo” thấy thì phải nói, nói thì phải đúng và phải rõ bởi vì khi nhà báo nói thì có sức tác động lớn. Đây cũng chính là điều mà công chúng, bạn đọc mong muốn”- nhà báo Lê Ngọc Thúy nói.

Đề cập đến tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp ở Vĩnh Long khá cao với 99,97%; Vĩnh Long chưa có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng… nhà báo Huỳnh Tấn Phát- Phó Giám đốc Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long cho rằng, những sự việc, con số, kết quả đó có vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp của báo chí.

Do đó, người làm báo cần làm tốt công tác tuyên truyền, làm tròn trách nhiệm xã hội. Theo nhà báo Huỳnh Tấn Phát, người làm báo phải trang bị kiến thức đầy đủ và bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp và cái tâm nhà báo.

Có bản lĩnh để thẩm định vấn đề đúng hay sai, mỗi thông tin đưa ra cần phải có trách nhiệm; thông tin phải nhanh, sâu, chính xác và phải đeo bám đến cùng.

Đồng thời, cần trang bị kiến thức làm nghề đa dạng, rèn luyện để trở thành nhà báo đa phương tiện, thuộc trách nhiệm của mình thì phải giỏi nhưng không thuộc trách nhiệm thì phải biết”- nhà báo Huỳnh Tấn Phát nói.

Đề cập vai trò, vị trí của nhà báo trong xã hội Việt Nam từ trước đến nay, nhà báo Nguyễn Hữu Khánh- Tổng Biên tập Báo Vĩnh Long nhấn mạnh: “Nhà báo rất quan trọng, dù ở chế độ nào”.

Với chế độ xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước rất coi trọng báo chí, có Luật Báo chí để nhà báo hoạt động và được bảo vệ… Từ vị thế như vậy nên trách nhiệm càng lớn. Báo chí không chỉ thông tin mà còn định hướng, dẫn dắt đúng đắn nhận thức về văn hóa, thẩm mỹ… cho người đọc.

Nhắc nhớ tựa một cuốn sách của nhà báo Hữu Thọ- nguyên Trưởng Ban Tư tưởng- Văn hóa Trung ương- là “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” được nhiều người yêu thích, coi đó là 3 yêu cầu cơ bản nhất của người cầm bút, nhà báo Nguyễn Hữu Khánh nói: “Những yêu cầu đó đối với người làm báo đến nay vẫn còn nguyên giá trị”.

“Mắt sáng” để quan sát, nhìn nhận, đánh giá đúng bản chất vấn đề. “Lòng trong” thể hiện ở cái tâm của người cầm bút- sáng tạo báo chí đúng tôn chỉ, mục đích, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc chứ không tư lợi riêng. “Bút sắc” là kỹ năng nghề nghiệp phải sắc bén để nhìn nhận, phân tích, định hướng. Bút có sắc thì tác phẩm báo chí mới hay, có sức thuyết phục lớn…

“Trong bối cảnh cạnh tranh thông tin, cơ chế thị trường… người làm báo cần giữ vững đạo đức của người làm báo, nâng cao trình độ hiểu biết về từng lĩnh vực, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp để đồng hành với Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ lợi ích địa phương, xã hội, cộng đồng”- nhà báo Nguyễn Hữu Khánh nói.

Báo chí phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc

Tại hội nghị giao ban công tác báo chí, xuất bản 6 tháng đầu năm 2021, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa- Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương- nhấn mạnh: “Báo chí phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Công tác tuyên truyền cần đổi mới hơn. Muốn vậy các cơ quan quản lý, chủ quản cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo chí. Cần hiện đại hóa báo chí trong thời đại khoa học công nghệ phát triển để báo chí có điều kiện hoạt động, phát triển hiện đại hơn…”

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- XUÂN TƯƠI