Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành

Cập nhật, 14:08, Thứ Ba, 22/10/2019 (GMT+7)

Tôi là đương sự trong vụ tranh chấp tài sản. Sau khi nhận được giấy mời của tòa án để giải quyết, đương sự bên kia đến thỏa thuận với tôi một số điều và thấy họ có thiện chí, tôi cũng đồng ý với hướng họ đưa ra. Nếu tôi đồng ý thỏa thuận với họ mà sau đó họ có thái độ không tốt thì tôi có được yêu cầu giải quyết lại không?

L.V.G. (Cái Bè- Tiền Giang)

Trả lời:

Nếu trong vụ tranh chấp này, chỉ có anh và đương sự bên kia và nội dung thỏa thuận được giải quyết cho toàn bộ vụ việc, thì theo quy định tại khoản 5 Điều 211 Bộ luật Tố tụng dân sự: Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án dân sự thì tòa án lập biên bản hòa giải thành. Biên bản này được gửi ngay cho các đương sự tham gia hòa giải.

Theo đó, khoản 1 và 2 Điều 212 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định việc ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, như sau:

1. Hết thời hạn 7 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một thẩm phán được chánh án tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự và viện kiểm sát cùng cấp.

2. Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.

Xin lưu ý với anh, theo khoản 1 Điều 213 Bộ luật Tố tụng dân sự: Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Và khoản 2 điều luật này quy định: Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.

Do vậy, anh cần cân nhắc kỹ trước khi đồng ý thỏa thuận với đương sự bên kia về việc giải quyết vụ tranh chấp.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ