Kinh tế "vượt bão" và kỳ vọng phục hồi hậu COVID-19

06:01, 31/01/2022

Đại dịch COVID-19 lần thứ 4 ập đến, khiến kế hoạch sản xuất kinh doanh gần như bị đảo lộn. Các doanh nghiệp (DN) cho biết, chưa khi nào đối mặt nhiều thách thức và khó khăn như trong năm vừa qua, để vừa duy trì hoạt động vừa phòng chống dịch, DN phải liên tục "chuyển trạng thái" từ tạm ngưng hoạt động, tổ chức phương án "3 tại chỗ", "2 điểm đến- 1 cung đường", rồi "2 tại chỗ- vùng xanh" đến thích ứng điều kiện bình thường mới… 

 

Ông Nguyễn Văn Liệt - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tìm hiểu hoạt động của doanh nghiệp vào tháng 7/2021.
Ông Nguyễn Văn Liệt - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tìm hiểu hoạt động của doanh nghiệp vào tháng 7/2021.

(VLO) Đại dịch COVID-19 lần thứ 4 ập đến, khiến kế hoạch sản xuất kinh doanh gần như bị đảo lộn. Các doanh nghiệp (DN) cho biết, chưa khi nào đối mặt nhiều thách thức và khó khăn như trong năm vừa qua, để vừa duy trì hoạt động vừa phòng chống dịch, DN phải liên tục “chuyển trạng thái” từ tạm ngưng hoạt động, tổ chức phương án “3 tại chỗ”, “2 điểm đến- 1 cung đường”, rồi “2 tại chỗ- vùng xanh” đến thích ứng điều kiện bình thường mới…

Trong khó khăn, cùng với các chủ trương, chính sách kịp thời hỗ trợ, thì sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần giữ đà tăng trưởng, giúp nền kinh tế dần phục hồi và phát triển hậu COVID-19.

Một năm đi trong “bão” COVID-19

Từ đầu tháng 7/2021, dịch COVID-19 bùng phát với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo và triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch COVID-19.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành Kế hoạch số 52 ngày 17/8/2021 về tăng cường các giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 với các mục tiêu, giải pháp trọng tâm, cụ thể nhằm kiểm soát dịch bệnh theo từng giai đoạn.

Theo nghiên cứu Kế hoạch phục hồi kinh tế Vĩnh Long của TS. Lê Minh Chí- Phó Phòng Kinh tế- Ngoại vụ (Văn phòng UBND tỉnh): Từ tháng 7- 9/2021, tỉnh đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ, các DN phải tạm dừng hoạt động, đối với các DN được tiếp tục hoạt động cũng phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Qua khảo sát DN có trên 100 người lao động, có đến 40% DN được hỏi giảm từ 75- 100% doanh thu, 20% DN giảm từ 50- 75%, 33% DN giảm từ 25- 50%, chỉ có 6,7% DN ít bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Từ đó cho thấy, “tình hình DN và kinh tế của tỉnh Vĩnh Long sau dịch, dự báo sẽ đối mặt rất nhiều khó khăn, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất”- TS. Lê Minh Chí đúc kết và dự báo.

Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, Vĩnh Long dần chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Công ty TNHH Phước Thành IV áp dụng các giải pháp sản xuất an toàn, nâng cao ý thức phòng chống dịch của người lao động. Ảnh: TL
Công ty TNHH Phước Thành IV áp dụng các giải pháp sản xuất an toàn, nâng cao ý thức phòng chống dịch của người lao động. Ảnh: TL

Theo đánh giá của UBND tỉnh, đến cuối năm 2021, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát và dần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, các sản phẩm nông sản, hạn chế thấp nhất ứ đọng trong dân.

Ông Hà Văn Ban- Cục Trưởng Cục Thống kê, phân tích: “Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2021 ước đạt 30.305,3 tỷ đồng, giảm 1,05% so với năm 2020, đây là năm mà tỉnh Vĩnh Long có mức tăng trưởng kinh tế âm, tính từ trước đến nay.

Trong mức giảm chung của nền kinh tế thì khu vực nông nghiệp- thủy sản tăng 1,76%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 1,36%; khu vực dịch vụ giảm 3,51%.

Năm 2021 ước tính có 9 chỉ tiêu chủ yếu thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra, đây là các chỉ tiêu thuộc nhóm xã hội và môi trường. Tuy vậy những chỉ tiêu đó chưa tác động lớn đến sự tăng trưởng cũng như bù đắp cho sự tụt giảm trong lĩnh vực kinh tế”.

Điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế

Theo TS. Lê Minh Chí, trên cơ sở kết quả khảo sát về nhu cầu của DN, vận dụng học thuyết của Keynes và dựa trên nguồn lực hiện có của tỉnh Vĩnh Long nghiên cứu đã đề xuất nhóm giải pháp gồm 3 trụ cột chính là: Chính sách trung ương, giải pháp địa phương và giải pháp y tế.

Đối với nhóm giải pháp của tỉnh Vĩnh Long sẽ được chia 2 giai đoạn: giải cứu (từ 6- 12 tháng) và phục hồi (từ 1- 2 năm).

Vĩnh Long đã chuyển trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Vĩnh Long đã chuyển trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Cùng với đó, “để chuẩn bị cho câu chuyện tái phục hồi kinh tế hay phát triển kinh tế trong tình hình diễn biến của dịch COVID-19, trụ cột về y tế tiếp tục có vai trò rất quan trọng mà tỉnh Vĩnh Long cần quan tâm đầu tư phát triển.

Đó không phải là vấn đề cơ sở vật chất, mà còn là đòn bẩy thu hút nguồn lực về con người cho tỉnh trong thời gian tới”- TS. Lê Minh Chí nhận định.

Từ góc nhìn của DN, ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long, cho rằng: Trong dịch bệnh còn là cơ hội cho một số chuỗi ngành hàng mới.

Có thể thấy thị trường đã có sự dịch chuyển khá rõ rệt giữa một số ngành hàng, dịch vụ. Cơ hội sẽ đến nếu các DN biết tận dụng, biến nguy thành cơ, tìm hướng đi riêng.

Theo ông Cao Minh Quốc- Giám đốc Công ty TNHH Quốc Thảo, người đứng đầu DN phải có tầm nhìn, tư duy mới. Làm kinh doanh luôn có những rủi ro bất ngờ, nếu không dự đoán, chuẩn bị tâm thế trước thì rất dễ bị “đào thải”.

Còn theo ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV: “Bên cạnh giải pháp quản trị dòng tiền đầu tư, nguồn lực lao động, thì đòi hỏi DN cần có chiều sâu đầu tư, xây dựng văn hóa DN”.

Với nhận định: Sau đợt dịch COVID-19, số DN ngừng sản xuất hoặc phá sản sẽ tăng cao khó lường, đặc biệt là các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Các DN có quy mô lớn hơn thì do tính hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu nay bị bế quan tỏa cảng sẽ gặp nhiều khó khăn, số DN phải thu hẹp sản xuất sẽ tăng nhanh.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Hải Dương- Giám đốc Viettel Vĩnh Long: “Đây cũng là thời điểm mở ra nhiều cơ hội để các ý tưởng, dự án nắm bắt thời cơ, tìm ra hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường.

Để khơi thông chuỗi cung ứng toàn cầu, các DN đã đầu tư, tập trung khai thác các lợi thế từ chuyển đổi số. Viettel là DN có thế mạnh trong cung cấp dịch vụ số, đây cũng là thời điểm thích hợp nhất”.

 

Ông Hà Văn Ban - Cục trưởng Cục Thống kê: Nhiều chính sách sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng và phát triển kinh tế

Năm 2022, kinh tế - xã hội trong tỉnh dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, ảnh hưởng chưa từng có do tác động của dịch COVID-19. Trong ngắn hạn, khó phục hồi do nguồn lực tái đầu tư giảm sút và những yếu kém nội tại của nền kinh tế như các vấn đề về quy mô, sức cạnh tranh của các DN, chất lượng nguồn nhân lực, tình hình thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày càng phức tạp; đặc biệt là đứt gãy sản xuất, thị trường, dòng tiền và lao động... sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp và công tác thu ngân sách, giải quyết việc làm, an sinh xã hội.

Tuy nhiên, với nhiều chính sách của Chính phủ nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục khó khăn, đặc biệt là chủ trương của Chính phủ về chuyển trạng thái sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; bên cạnh đó, những nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong phòng chống dịch, nhất là các chính sách hỗ trợ DN phục hồi sản xuất sau dịch COVID-19 sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh