"Giải cứu" nông sản từ bước đi chủ động

Cập nhật, 08:28, Thứ Ba, 15/06/2021 (GMT+7)

 

Liên kết sản xuất để chủ động thị trường. Trong ảnh: Bộ trưởng Lê Minh Hoan đến thăm một cơ sở chế biến, đóng gói khoai lang tại Bình Tân.
Liên kết sản xuất để chủ động thị trường. Trong ảnh: Bộ trưởng Lê Minh Hoan đến thăm một cơ sở chế biến, đóng gói khoai lang tại Bình Tân.

Liên kết trong sản xuất- tiêu thụ, lấy việc nâng cao giá trị gia tăng làm mục tiêu phấn đấu cũng như kịp thời nắm bắt thông tin, nhu cầu thị trường,… được cho là những bước đi chủ động để không còn cảnh giải cứu nông sản mỗi khi cung vượt cầu.

Theo ông Trương Thành Dãnh- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, những tháng đầu năm nay, sản xuất lúa gạo nhờ trúng mùa, trúng giá nên nông dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, giá bán một số sản phẩm cây ăn trái và rau màu giảm, đặc biệt khoai lang tím Nhật, mít, thanh long, bưởi giá giảm sâu dưới giá thành sản xuất, gây nhiều tổn thất cho nông dân. Mặt khác, tình hình dịch COVID- 19 diễn ra phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý người tiêu dùng, hạn chế hoạt động giao thương, nhất là xuất khẩu ra thị trường ngoài nước, càng gây khó khăn cho việc tiêu thụ nông sản.

Đáng chú ý nhất là từ giữa tháng 3 đến nay, giá khoai lang liên tục giảm và hiện đã giảm dưới giá thành sản xuất, không có thương lái đến thu mua khoai xuất khẩu như trước, gây khó khăn cho người trồng. Diện tích khoai vụ Đông Xuân đến kỳ thu hoạch trên đồng khoảng 500ha. Qua các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ, giá khoai có tăng hơn trước, trong đó khoai đẹp có giá 200.000 đ/tạ; khoai quá lứa, khoai sô khoảng 90.000- 100.000 đ/tạ. Với mức giá này người dân vẫn lỗ do giá thành sản xuất trung bình khoảng 300.000 đ/tạ.

Về giải pháp khôi phục, phát triển sản xuất, ông Trương Thành Dãnh cho rằng, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ vận động, hỗ trợ người dân luân canh cây trồng khác trên đất trồng khoai trong vụ Thu Đông này, chuyển sang lúa hoặc màu ở nơi có điều kiện. Một mặt là giảm nguồn cung khoai tím- tránh vụ với Trung Quốc, mặt khác là cải tạo đất ruộng khoai, giảm áp lực dịch bệnh trên khoai. Đồng thời phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật xây dựng mô hình kiểm soát dịch hại theo yêu cầu của thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh, ngành khuyến cáo rải vụ, nhằm giảm cung hàng nông sản, thủy sản ra thị trường cùng lúc. Thực hiện chương trình, dự án nhằm phổ biến kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất khoai và một số sản phẩm chủ lực và tiềm năng của tỉnh. Thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng giống cây trồng (khoai lang tím Nhật, bưởi,..), thực hiện mô hình giảm lượng giống khoai, áp dụng quy trình an toàn thực phẩm, GAP, xây dựng mã số vùng trồng nhằm đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Tiếp tục thu hút doanh nghiệp chế biến để đa dạng sản phẩm đầu ra khoai lang và các loại nông sản có lợi thế nói chung. Bên ạnh đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông sản để tạo cơ sở tiêu thụ ổn định hơn. Khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ liên kết với hợp tác xã, nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ thông qua hợp đồng liên kết để ổn định sản xuất, giá cả.

Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời cho biết, hiện ngành chế biến nông sản của tỉnh không đủ mạnh, chưa có doanh nghiệp chế biến nông sản đủ sức. Thực tế hiện nay là một số doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản trên địa bàn nhưng không sử dụng nguyên liệu ở Vĩnh Long, không kết nối được tiêu thụ nông sản trong tỉnh. Do đó, thời gian tới cần triển khai thí điểm hợp tác xã kết nối với vùng nguyên liệu với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn trong tìm đầu ra.

Khó khăn hiện nay còn ở khâu liên kết sản xuất của các hợp tác xã nông nghiệp, kể cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương nên việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu còn yếu. Do đó, để giải quyết khó khăn hiện nay cần phải kết nối tốt giữa nông dân- hợp tác xã- doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất và xuất nhập khẩu Việt Phúc- cho biết: “Vĩnh Long là vùng trồng khoai lang tím Nhật rất tốt. Chúng ta cần chiến lược bài bản, lâu dài, quy hoạch vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP… Vấn đề chính là làm sao quản lý được chất lượng lúc trồng đến sơ chế, đóng gói thành phẩm để xuất khẩu”. Cũng theo bà Hương, hiện vấn đề kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ tại vùng nguyên liệu cũng là vấn đề cần được địa phương quan tâm đầu tư, vì vướng khâu này cũng khó để thu hút doanh nghiệp đến với vùng nguyên liệu. Đầu ra nông sản cũng vì thế mà bế tắc theo.

Phát huy vai trò của kinh tế hợp tác để nâng cao giá trị nông sản.
Phát huy vai trò của kinh tế hợp tác để nâng cao giá trị nông sản.

Làm việc tại Vĩnh Long mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Minh Hoan cho rằng nông sản gặp khó khăn đầu ra cần phải nhìn ra được nguyên nhân sâu xa và có giải pháp dài hạn hơn. Đó phải là cuộc cách mạng về tư duy: chuyển từ tư duy số lượng sang tư duy chất lượng, phải lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu phấn đấu.

Cơ cấu lại nông nghiệp là cuộc cách mạng của cả hệ thống chứ không riêng của ngành nông nghiệp. Phải có tuyên truyền thay đổi ý thức của người dân, nhất là vai trò của hợp tác xã. Để tránh rủi ro về thị trường, phải vận động nông dân vào hợp tác xã hoặc tổ hợp tác để nắm bắt thông tin thị trường chứ không thể sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Nhà nước có vai trò kết nối thị trường, hỗ trợ công nghệ bảo quản, chế biến. Vĩnh Long cần tăng cường phát triển kinh tế tập thể để hợp tác xã, tổ hợp tác đủ sức làm cầu nối giữa doanh nghiệp với từng hộ dân. Từng bước chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Bởi tư duy kinh tế là tư duy thị trường, nếu không nắm được thông tin thị trường trong nước và nước ngoài thì đầu ra nông sản sẽ bị động.

Huyện Bình Tân có tổng diện tích sản xuất khoai lang hàng năm dao động khoảng 12.000- 13.000ha. Đỉnh điểm, sản lượng có thể đạt đến 350.000 tấn. Tuy nhiên, sự liên kết trong sản xuất khoai lang vẫn chưa cao. Hiện toàn huyện mới chỉ có 14 hợp tác xã sản xuất khoai lang, chiếm khoảng 10% số hộ và diện tích trồng khoai của toàn huyện. Vụ Hè Thu này, nông dân xuống giống được 8.170ha khoai lang, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái, mỗi tháng trung bình thu hoạch 1.000ha.

 

 

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN- THÀNH LONG