Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nhìn nhận đúng bản chất tìm câu trả lời cho khoai lang

Cập nhật, 17:34, Thứ Hai, 14/06/2021 (GMT+7)

Bộ trưởng Nông nghiệp- PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, đừng “đổ” dịch bệnh, bởi thật ra không ảnh hưởng dịch bệnh khoai lang vẫn từng xảy ra tình trạng cung vượt cầu. Vì vậy, nên cần nhìn nhận đúng bản chất tìm câu trả lời cho phát triển bền vững thời gian tới.

Bộ trưởng Nông nghiệp- PTNT Lê Minh Hoan (thứ 2, phải qua) đi tìm hiểu thực tế vùng trồng khoai lang Bình Tân.
Bộ trưởng Nông nghiệp- PTNT Lê Minh Hoan (thứ 2, phải qua) đi tìm hiểu thực tế vùng trồng khoai lang Bình Tân.

Mới đây, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp- PTNT do Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm trưởng đoàn đến tìm hiểu thực tế tình hình sản xuất, tiêu thụ và sơ chế khoai lang tại huyện Bình Tân (Vĩnh Long).

Lo âu về đầu ra

Báo cáo với đoàn, ông Nguyễn Văn Tập- Chủ tịch UBND huyện Bình Tân cho biết, hàng năm địa phương sản xuất khoai lang, đặc biệt là khoai tím Nhật tương đương 12.000- 13.000 ha, đỉnh điểm thu hoạch sản lượng có thể đạt đến 350.000 tấn. Do diện tích lớn, lại ảnh hưởng tình hình dịch bệnh nên giá khoai thời gian qua giảm mạnh.

“Nguyên nhân là thiếu thị trường tiêu thụ, khoai lang tím Nhật thì xuất khẩu, nhưng hiện bằng đường tiểu ngạch, không ổn định. Mỗi tháng trung bình nông dân thu hoạch khoảng 1.000ha khoai lang nên luôn trong tâm trạng lo âu về đầu ra.”- ông Nguyễn Văn Tập đồng thời cho biết, khó khăn nữa là phần lớn người dân sản xuất theo tập quán cũ, trồng chuyên canh và hạn chế áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nên hiệu quả, chất lượng khoai không cao.

Ông Trần Hoàng Đông- Giám đốc Công ty TNHH Đông Phát Food (xã Tân Bình) cho biết, công ty chuyên chế biến các loại nông sản sấy. Riêng mặt hàng khoai lang tím Nhật, hàng tháng công ty chế biến khoảng 150- 200 tấn khoai xuất khẩu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh đối tác nước ngoài không giao thương nên nông dân bị động đầu ra, lượng hàng xuất khẩu thời gian qua của đơn vị này cũng giảm mạnh từ 50- 70%. Để duy trì, công ty làm những kho trữ lạnh để trữ quanh năm nhằm giảm gánh nặng đầu ra cho nông dân địa phương.

Toàn huyện Bình Tân chỉ có 14 hợp tác xã sản xuất khoai lang, chiếm khoảng 10% số hộ và diện tích trồng. Nói về khâu chế biến nông sản này, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- Lữ Quang Ngời nhìn nhận: “Ở địa phương không đủ mạnh và chưa có các doanh nghiệp đủ sức. Đau đầu nhất hiện nay là tình trạng không kết nối được vùng nguyên liệu. Các doanh nghiệp sản xuất nông sản trên địa bàn nhưng mua nguyên liệu lại ở nơi khác.

Hiện nay, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chúng tôi đã chăm chút, để làm sao các doanh nghiệp theo hướng phát triển. Tuy  nhiên, liên kết hiện nay theo nhìn nhận là liên kết rất ngắn, không có tầm nhìn dài, khi lệ thuộc một nhà đầu tư nào đó thì bị hụt hẫng, đứt gãy”

“Lúa bán trên đồng, xoài bán trên cây thì còn nghèo”

Bà Nguyễn Thị Lan Hương- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Việt Phúc (Hà Nội), đã khảo sát vùng khoai lang cho thấy rất nhiều tiềm năng. Hiện khoai lang tím Nhật ngoài thị trường Trung Quốc, thì một số thị trường Đông Bắc Á và ASEAN cũng rất ưa thích. Tuy nhiên, để phát triển ổn định cần phải có chiến lược phát triển bài bản.

“Cái chính là chúng ta làm sao quản lý được chất lượng từ lúc trồng cho tới sơ chế, đóng gói xuất khẩu, hay cung ứng nội địa. Tôi cũng tìm hiểu lý do vì sao, có lẽ hạn chế lớn nhất hiện nay ở đây là giao thông khi chỉ cho xe 10 tấn đi qua được các đường và cầu nhỏ.”- bà Nguyễn Thị Lan Hương đồng thời cũng lưu ý, không nên coi việc xuất khẩu bằng tiểu ngạch không cần tiêu chuẩn. Hiện nay người tiêu dùng Trung Quốc đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao, và khả năng số hóa của họ rất tốt. Tất cả các sản phẩm chính ngạch đều cần kiểm soát từ cánh đồng.

“Khoai lang sẽ là tương lai lớn”- bà Lan Hương cho biết, gần đây đã tiếp xúc với các công ty ở Châu Âu, họ rất quan tâm với mặt hàng nông sản này. Tuy nhiên, công ty chưa dám đặt vấn đề xuất khẩu vì họ kiểm soát, chặt chẽ từ khâu trồng.

Bộ trưởng Nông nghiệp- PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, thời gian qua, nhiều mặt hàng nông sản gặp khó khăn đầu ra nhưng không phải trong dịch COVID-19 mà trước đây nông sản đôi khi cũng rơi vào cảnh hỗn độn, cung vượt cầu. Và nếu nhìn nhận không đúng bản chất sẽ không tìm ra được câu trả lời.

Thiếu đầu ra ổn định là một trong những khó khăn lớn nhất của khoai lang Bình Tân.
Thiếu đầu ra ổn định là một trong những khó khăn lớn nhất của khoai lang Bình Tân.

Nói về khoai lang, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, hiện thị trường Trung Quốc bắt đầu “siết” về chất lượng. Tất cả đều phải mã vùng, truy xuất nguồn gốc, an toàn, chất lượng,… “Chừng nào lúa bán trên đồng, xoài bán trên cây thì lúc đó chúng ta còn nghèo” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: “Nền sản xuất của mình là nền sản xuất dễ dãi, trồng sao cũng được, sạch cũng được không sạch cũng được, chuẩn cũng được không chuẩn cũng được, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được không cũng được, thế nào cũng có người mua, bán chợ sáng không được thì bán chợ chiều. Bán xuất ngoại không được thì nhờ trong nước giải cứu…”.

Vì thế, đã đến lúc phải nhìn thẳng sự thật, cái gì của mình thì mình phải giải quyết trước. Đồng thời, phải thay đổi tư duy sản lượng sang tư duy làm kinh tế, nâng cao chất lượng nông sản. “Khi nông sản hiếm thì giá tăng, khi thừa thì xuống, chúng ta đang đánh cược nhiều hơn là làm kinh tế nông nghiệp”- Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu ngành nông nghiệp không chỉ đơn thuần là phân bổ, điều chuyển quy mô tăng giảm nội ngành, mà đó phải là hành trình chuyển đổi mô hình, thay đổi tư duy, đổi mới phương thức, nâng cao nhận thức người nông dân.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý Vĩnh Long cần tiến tới thành lập hiệp hội ngành hàng, thiết lập cơ sở dữ liệu, chỉ đạo chuyển vụ, luân canh, xen canh thay đổi cây trồng tiết kiệm nước phù hợp tình hình. Đồng thời vận động nông dân tham gia vào các mô hình liên kết, đẩy mạnh xúc tiến thương mại lấy giá trị làm mục tiêu phấn đấu; cơ cấu lại khoai lang để không còn rơi vào cảnh rủi ro thị trường như vừa qua.

 

Bộ trưởng Nông nghiệp- PTNT Lê Minh Hoan: “Cần chuyển từ tư duy số lượng, sản lượng sang tư duy chất lượng. Chuyển từ tư duy lấy sản lượng làm mục tiêu phấn đấu giờ sang lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu phấn đấu. Sản lượng càng nhiều không đồng nghĩa với giá trị gia tăng càng nhiều, có khi ngược lại.”

 

 

 

Bà Nguyễn Thị Lan Hương- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Việt Phúc (Hà Nội) cho rằng: Cần đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào để quản lý chuỗi giá trị khoai lang nhằm giúp cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và hợp tác xã và bà con hiểu được tầm quan trọng, cũng như kiểm soát được rõ quy trình sản xuất của mình.

Bài, ảnh: MINH ANH