Nhà nông tìm hiểu

Phòng trị lúa bệnh vàng lá do ngộ độc hữu cơ

Cập nhật, 09:18, Thứ Ba, 08/06/2021 (GMT+7)

Bạn Nhà nông cho tôi hỏi, khi lúa Hè Thu bị vàng lá do ngộ độc hữu cơ thì cần phải xử lý thế nào?

Nguyễn Tuấn Kiệt

(Đông Thành- TX Bình Minh)

Anh Kiệt mến! Lúa bệnh vàng lá do ngộ độc hữu cơ phần nhiều là do biện pháp canh tác của nông dân từ đầu vụ, trong khâu chuẩn bị đất trước khi gieo sạ và thời gian nghỉ đất quá ngắn. Lượng rơm rạ bị cày vùi trong đất chưa đủ thời gian phân hủy nên trong quá trình phân hủy tạo ra chất độc, a xít hữu cơ, làm hư thối rễ. Khi quan sát cây lúa có các triệu chứng rễ bị đen, lá bị vàng từ dưới lên, kém phát triển, nảy chồi ít. Ngành chuyên môn khuyến cáo, thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa ít nhất là 3 tuần với điều kiện cày ải được thuận lợi, nhằm tăng thời gian phân hủy rơm rạ trong đất, phòng ngừa ngộ độc hữu cơ cho vụ sau.

Khi lúa bị ngộ độc hữu cơ, trước khi xử lý, nhà nông cần ngưng bón tất cả các loại phân như NPK và các loại phân bón lá, tháo nước liên tục để rửa bớt độc tố trong đất 2- 3 lần. Để ruộng ráo nước nứt chân chim, sau đó đưa nước trở lại ruộng. Bón bổ sung phân lân, phân bón qua lá, có thể phun dòng Amino Acid hay thuốc điều hòa sinh trưởng như Comcat 150WP hoặc phân bón lá Risopla II. Sau khi xử lý 5- 7 ngày, nhổ khóm lúa lên quan sát thấy rễ lúa ra trắng là lúa đã khỏe lại, tiến hành bón phân chăm sóc lúa bình thường.

Ngoài ra, nhà nông cũng cần lưu ý một số loại bệnh thường gặp gây triệu chứng vàng lá trên lúa như bệnh do vi khuẩn và nấm như vàng lá chín sớm, cháy bìa lá, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, bệnh vàng lùn do rầy nâu truyền bệnh,… cũng gây triệu chứng vàng lá trên lúa. Do đó nhà nông cần thăm đồng thường xuyên, đặc biệt trong giai đoạn đòng trổ, đồng thời phun thuốc trừ bệnh trước và sau khi lúa trổ để phòng trị bệnh hiệu quả.

BẠN NHÀ NÔNG