Vì sao đốt đồng còn dai dẳng?

Cập nhật, 15:40, Thứ Hai, 14/06/2021 (GMT+7)
Nông dân ở xã Phước Hậu (Long Hồ) đốt đồng sau khi cắt lúa Đông Xuân để trồng rau (ảnh chụp hồi đầu tháng 3/2021).
Nông dân ở xã Phước Hậu (Long Hồ) đốt đồng sau khi cắt lúa Đông Xuân để trồng rau (ảnh chụp hồi đầu tháng 3/2021).

Lúa Đông Xuân trong tỉnh đang vào đợt thu hoạch rộ, lợi dụng trời khô ráo, nhiều nơi bà con nông dân cắt lúa đến đâu, đốt đồng đến đó. Mặc dù ngành chức năng khuyến cáo không nên, nhưng vì sao cảnh này vẫn còn tồn tại?

Đốt đồng để đỡ gánh nặng

Người viết đem câu hỏi này đến một số hộ nông dân ở xã Phước Hậu (Long Hồ) và được câu trả lời chung nhất là: “Hiện tại rơm rạ ở nông thôn chỉ được sử dụng theo 5 cách phổ biến là: làm phân bón; cho trâu bò ăn; trồng nấm rơm; dùng che phủ liếp rẫy trồng rau, màu, phủ mô trồng cây ăn trái và bán cho chủ mua rơm cuộn”.

4 cách đầu thì tiêu thụ lượng rơm chẳng bao nhiêu vì số trâu bò không nhiều, nông dân chuộng xài phân hóa học hơn là phân hữu cơ từ rơm. Rơm dùng phủ liếp rẫy thì chỉ ở vùng trồng rau, màu mới sử dụng.

Còn làm nấm thì xảy ra 2 trường hợp. Một là, hộ có ruộng gần nhà, có nhiều nhân lực thu gom, vận chuyển rơm mới làm nổi. Hai là, người trồng nấm phải mua rơm dẫn đến chi phí cao. Nhiều hộ nông dân cũng than vãn rằng, những năm gần đây trồng nấm rơm không lời nhiều do khó mua rơm vì đụng những chủ ”mua cuộn rơm”, còn giá meo làm nấm ngày càng tăng nên trồng nấm không lời nhiều như trước, mặc dù giá nấm bán tại vườn có thời điểm lên mức khá cao.

Đối với việc bán rơm cuộn cũng vậy, chỉ có những ruộng ở gần bờ đê, đường giao thông có xe 4 bánh vào được mới bán được rơm cuộn.

Từ lý do nêu trên mà nhiều nông dân ngại thu gom, nhất là những hộ có vài ba công ruộng hoặc đồng xa. Rơm rạ trên đồng trở thành gánh nặng cho nông dân, họ muốn giải phóng nhanh mà không tốn công, chi phí vận chuyển để làm đất xuống giống cho vụ sau, chỉ có cách đốt đồng. Do vậy, cảnh đốt đồng sau khi thu hoạch lúa vụ Đông Xuân vẫn còn dai dẳng ở nhiều nơi trong tỉnh.

Vì chưa thể đa dạng hóa cách sử dụng rơm rạ

Rơm rạ sau thu hoạch lúa đã được nghiên cứu, ứng dụng phục vụ nhiều mục đích khác nhau trong sản xuất, đời sống ở trong và ngoài nước.

Trên thế giới rơm rạ quý như vàng! Ở Ấn Độ, nhà nước khuyến cáo nông dân không nên đốt rơm rạ mà nên vùi rơm rạ vào đất để tăng cường dinh dưỡng cho đất, hoặc dùng làm thức ăn cho gia súc.

Ở Mỹ, chính phủ đã ban hành luật cấm đốt rơm rạ trên ruộng lúa, không những khuyến cáo nên làm như cách ở Ấn Độ mà còn dùng sản xuất ethanol và giấy từ rơm rạ. Thái Lan và Indonesia là những quốc gia ở khu vực Đông Nam Á nhập khẩu rơm rạ để nghiên cứu và sản xuất điện năng. Rơm, rạ đốt lên sẽ sản sinh ra một lượng hơi nóng dùng để sản xuất điện…

Trong nước cũng đã có những nghiên cứu, ứng dụng rơm rạ trong thực tiễn, như: ủ rơm rạ bằng men vi sinh để chế tạo phân hữu cơ bón lót cho cây trồng, cải tạo đất. Ở ĐBSCL, những năm gần đây, rơm rạ cũng được cuộn hoặc ép thành bánh rơm để xuất khẩu.

Còn ở Vĩnh Long, nguồn rơm rạ sau thu hoạch phần lớn bỏ đi ven bờ kinh, bờ ruộng hoặc đốt đồng, có khoảng 10% lượng rơm được sử dụng trồng nấm, lượng nhỏ rơm còn lại được thu gom, dự trữ cho trâu bò ăn, dùng che phủ liếp rẫy trồng rau, màu, phủ mô trồng cây ăn trái.

Thời gian gần đây, có khá nhiều hộ bán được rơm cuộn, nhưng chủ yếu các thương lái từ các tỉnh khác đến thu gom, mua. Hiện nay chưa có doanh nghiệp nào đầu tư đặt mua rơm hay sản phẩm rơm (như bánh rơm) với số lượng lớn để xuất khẩu, làm giấy... hay sản xuất ethanol!

Bài, ảnh: MỸ TRUNG