Tuyên Quang áp dụng phần mềm cải thiện chất lượng bữa ăn học đường

Cập nhật, 21:20, Thứ Ba, 22/10/2019 (GMT+7)

Được biết tính đến tháng 8/2019, Dự án Bữa ăn học đường đã và đang được triển khai áp dụng tại 52 tỉnh thành với 3.132 trường tiểu học.

Ngày 15/10 vừa qua, Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Tuyên Quang phối hợp cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai “Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng” thuộc Dự án Bữa ăn học đường, dành cho 33 trường tiểu học bán trú trên toàn địa bàn tỉnh.

Khẩu phần ăn đảm bảo cân bằng dinh dưỡng được chuẩn bị theo phần mềm Dự án.
Khẩu phần ăn đảm bảo cân bằng dinh dưỡng được chuẩn bị theo phần mềm Dự án.

Hội nghị có sự tham dự của ông Lê Văn Tuấn -  Chuyên viên Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT); PGS. TS Trương Tuyết Mai – Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế cùng lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Tuyên Quang, lãnh đạo và chuyên viên các Phòng GD&ĐT, Ban Giám hiệu, cán bộ phụ trách công tác bán trú cùng đại diện Hội phụ huynh học sinh từ các trường tiểu học bán trú của tỉnh.

Tại Hội nghị, Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng – một trong những nội dung trọng tâm của Dự án Bữa ăn học đường đã được giới thiệu và triển khai áp dụng đến các trường. Dự án do Công ty Ajinomoto Việt Nam phối hợp cùng Bộ GD&ĐT, Viện Dinh Dưỡng Quốc gia – Bộ Y tế triển khai từ năm 2012 với mục tiêu: “Thực hiện trách nhiệm đóng góp cho giáo dục, nuôi dưỡng và đào tạo thế hệ tương lai của đất nước bằng các hoạt động cải thiện dinh dưỡng và sức khỏe, góp phần nâng cao tầm vóc và trí tuệ cho học sinh tiểu học”.

Phần mềm cung cấp 120 thực đơn sẵn có với hơn 360 món ăn không lặp lại cho bữa trưa, được cân bằng dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi, ngon miệng, được phân chia theo 3 khu vực Bắc, Trung và Nam. Các trường có thể luân phiên thay đổi các thực đơn trong phần mềm, hoặc cũng có thể tự tạo ra thực đơn mới bằng cách kết hợp các món ăn có sẵn trong ngân hàng thực đơn hoặc sử dụng những nguyên liệu phù hợp tại địa phương. Ngoài ra, phần mềm cũng hỗ trợ nhà trường tính toán và quản lí chi phí bán trú hiệu quả.

Cùng với Phần mềm, Dự án cũng giới thiệu và triển khai đồng loạt đến các trường bộ áp phích minh họa “Ba phút thay đổi nhận thức”. Áp phích minh họa sinh động những thông tin dinh dưỡng bằng hình ảnh, giúp các em nhận biết giá trị dinh dưỡng và lợi ích của các thực phẩm, từ đó hình thành sự yêu thích và thói quen ăn uống đa dạng, khoa học.

Bên cạnh đó, nhằm chuẩn hóa quy trình chuẩn bị bữa ăn hàng ngày cho các em, Dự án cũng tiến hành xây dựng mô hình bếp ăn mẫu bán trú theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Các mô hình bếp ăn một chiều với trang thiết bị hiện đại giúp việc chuẩn bị bữa ăn bán trú được thực hiện khoa học, tiết kiệm thời gian, nhân công cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình chế biến. Hai mô hình bếp ăn chuẩn đã được Dự án xây dựng và đi vào vận hành tại trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP. Lạng Sơn) và trường tiểu học Trưng Trắc (TP. Hồ Chí Minh).

Chia sẻ tại Hội nghị, PGS. TS Trương Tuyết Mai cho biết: “Việc áp dụng các thực đơn này sẽ góp phần giúp học sinh xây dựng thói quen ăn uống khoa học, kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì hay suy dinh dưỡng và đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Viện Dinh dưỡng đánh giá cao hiệu quả mà Dự án mang lại thông qua phần mềm và phối hợp chặt chẽ cùng Bộ GDĐT và Công ty Ajinomoto Việt Nam triển khai dự án này.”

Được biết tính đến tháng 08/2019, Dự án Bữa ăn học đường đã và đang được triển khai áp dụng tại 52 tỉnh thành với 3.132 trường tiểu học bán trú toàn quốc và nhận được những phản hồi tích cực từ phía phụ huynh cùng nhà trường. Công ty Ajinomoto Việt Nam và Ban Dự án đang nỗ lực để triển khai Dự án đến tất cả các tình thành còn lại, để chất lượng bữa ăn bán trú được cải thiện, góp phần nâng cao tầm vóc và trí tuệ cho thế hệ tương lai của đất nước./.

Theo Gia Minh/VOV