Bão- động đất: Thảm họa mới chực chờ con người

Cập nhật, 15:09, Chủ Nhật, 20/10/2019 (GMT+7)

Các nhà khoa học vừa phát hiện ra một hiện tượng địa vật lý mới: sự kết hợp của 2 thảm họa đáng sợ là bão và động đất.

Hình ảnh từ Vệ tinh NOAA cho thấy cơn bão Irene có sức gió lên đến 185km/giờ.Ảnh: AP
Hình ảnh từ Vệ tinh NOAA cho thấy cơn bão Irene có sức gió lên đến 185km/giờ.Ảnh: AP

Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ công bố trong tuần này trên Tạp chí Geophysical Research Letters cho thấy một cơn bão mạnh có thể gây ra các hiện tượng địa chấn trong đại dương gần đó, mạnh như một trận động đất 3,5 độ richter và có thể kéo dài trong nhiều ngày, thậm chí kéo dài hàng ngàn kilomet khắp các châu lục.

Hiện tượng bão- động đất được nhóm nghiên cứu phát hiện tình cờ khi cố gắng theo dõi các trận động đất tần số thấp.

Nhà địa chấn Phạm Văn Viễn thuộc ĐH bang Florida- tác giả chính của nghiên cứu- nhận xét một trận bão- động đất là một thứ kỳ quặc. Bão có thể kích hoạt sóng địa chấn khổng lồ trên biển do năng lượng cực mạnh của chúng, từ đó gây ra một loại sóng khác.

Những sóng thứ cấp này sau đó tương tác với đáy biển- nhưng chỉ ở một số nơi nhất định- và điều đó gây ra sự rung chuyển, ông Phạm Văn Viễn giải thích. Nó chỉ xảy ra ở những nơi có thềm lục địa rộng lớn và vùng đất nông, bằng phẳng. Tuy nhiên, không phải tất cả các cơn bão đều gây ra bão- động đất, nhưng khi chúng xảy ra, các cơn bão- động đất dường như tập trung ở một số điểm nóng nhất định.

 

Vì bão cần có hơi nước nên hầu hết các cơn bão trở nên dịu dần khi vào đất liền và chỉ trong vài ngày là tự tan. Trong tương lai, nếu như Trái đất chúng ta bị nóng hơn vì ảnh hưởng của hiệu ứng nhà kính thì có thể số cơn bão sẽ gia tăng đáng kể. Nhiệt độ ở biển là yếu tố chính tạo thành các cơn bão, và nếu như ngày càng có nhiều vùng biển có nhiệt độ trên 27OC thì nghĩa là có thêm nhiều vùng hình thành các cơn bão.

 


Nghiên cứu cho biết các trận động đất khá phổ biến nhưng trước đây chúng không được chú ý vì được coi là những “tiếng ồn địa chấn”. Các nhà địa chấn học thường không để ý sự rung lắc tạo ra con sóng khi theo dõi động đất, vì vậy đó là lý do tại sao chúng không được chú ý cho đến bây giờ.

Nhà nghiên cứu địa chấn Paul Earle của Cục Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cũng cho rằng sóng địa chấn do đại dương tạo ra xuất hiện trên các thiết bị khảo sát địa chất Mỹ nhưng trong nhiệm vụ phát hiện động đất, những con sóng này được coi là “tiếng ồn địa chấn”.

Nhóm nghiên cứu thống kê có 14.077 trận bão- động đất từ tháng 9/2006 đến tháng 2/2015 tại Vịnh Mexico và ngoài khơi Florida (Mỹ), vùng New England của Mỹ, tỉnh Nova Scotia (Canada), Newfoundland và Labrador (tỉnh cực Đông của Canada) và British Columbia (tỉnh bang cực Tây của Canada).

Để phát hiện ra bão-động đất, cần có một loại cảm biến quân sự đặc biệt. Theo nghiên cứu, cơn bão Ike năm 2008 và cơn bão Irene năm 2011 đã gây ra nhiều cơn bão- động đất.

Ông Phạm Văn Viễn và các đồng nghiệp hy vọng rằng các cơn bão- động đất có thể giúp các nhà nghiên cứu trong tương lai hiểu rõ hơn về động lực học đại dương hoặc thậm chí cấu trúc Trái đất.

Động đất là thảm họa kinh hoàng nhất trong 10 năm qua- theo báo cáo của Liên Hợp Quốc. Động đất chiếm tới 60% tổng số người thiệt mạng trong thiên tai, nguy cơ rình rập 8 trong 10 thành phố đông dân nhất thế giới. Bão tố liên quan đến 22% số người chết, trong khi biến đổi nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh gây ra 11% trường hợp tử vong từ năm 2000-2009.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu bệnh dịch của thảm họa (CRED), tổng cộng 3.853 cơn thảm họa đã gây ra cái chết cho 780.000 người. Châu Á là lục địa bị ảnh hưởng xấu vì gánh chịu 85% số người thiệt hại nói trên.

 

ĐÔNG PHƯƠNG

(Theo khoahoc.tv/NLĐ)