Hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT

Đẩy mạnh, xây dựng chính phủ điện tử trong thời kỳ CMCN 4.0

Cập nhật, 16:33, Thứ Sáu, 31/08/2018 (GMT+7)

Trước thách thức và cơ hội cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, việc phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) mà đặc biệt là tập trung xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT) đang được chính phủ, các địa phương trong cả nước quan tâm đặc biệt.

Vĩnh Long vừa tổ chức thành công hội thảo Hợp tác phát triển công nghệ thông tin- truyền thông Việt Nam lần thứ 22. Trong ảnh: Thứ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông Nguyễn Thành Hưng và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Quang tặng hoa cho các đơn vị tài trợ và tham gia triển lãm.
Vĩnh Long vừa tổ chức thành công hội thảo Hợp tác phát triển công nghệ thông tin- truyền thông Việt Nam lần thứ 22. Trong ảnh: Thứ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông Nguyễn Thành Hưng và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Quang tặng hoa cho các đơn vị tài trợ và tham gia triển lãm.

Mới đây, tại hội thảo Hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Long, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng cho biết, ĐĐSCL không chỉ là vựa lúa lớn nhất của cả nước mà còn là vùng trọng điểm thủy sản, trái cây, nông sản.

Đây là vùng có tiềm năng lớn về du lịch, công nghiệp chế biến, một trung tâm kinh tế lớn của cả nước... Mặc dù vậy, một số lĩnh vực của ĐĐSCL còn có tốc độ phát triển chưa tương xứng, điển hình như y tế, giáo dục, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đặc biệt, ĐBSCL còn đang đứng trước thách thức lớn của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn mặn gay gắt.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết thêm, nắm bắt cơ hội, lợi thế của CMCN 4.0, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0.

Bộ TT-TT cũng đang tích cực triển khai nghiên cứu, xây dựng đề án nhằm thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia. Đây là một tiền đề quan trọng để Việt Nam có thể hiện thực hóa các cơ hội do cuộc CMCN 4.0 mang lại.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- Nguyễn Văn Quang cho biết, đẩy mạnh ứng dụng CNTT thời gian qua đã giúp Vĩnh Long nâng cao hiệu quả trong hoạt động của chính quyền các cấp, góp phần tăng tính công khai minh bạch, thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư...

Điều này được thể hiện qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số ứng dụng, phát triển CNTT.

Theo báo cáo Việt Nam ICT Index 2018 vừa được Hội Tin học Việt Nam công bố, tỉnh Vĩnh Long đã có bước phát triển rõ nét về các chỉ sổ như hạ tầng CNTT, nhân lực, hạ tầng kinh tế- xã hội.

Đặc biệt là chỉ số ứng dụng CNTT xếp thứ 17 (tăng 18 bậc so với năm 2017) và dịch vụ công trrực tuyến tăng 8 bậc.

Các sản phẩm, giải pháp công nghệ mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin- truyền thông thu hút nhiều sự quan tâm.
Các sản phẩm, giải pháp công nghệ mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin- truyền thông thu hút nhiều sự quan tâm.

Chia sẻ kinh nghiệm địa phương mình, ông Phạm Hồng Quảng- Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Quảng Nam cho biết, sau 2 năm đi vào hoạt động Hệ thống phần mềm Hành chính công điện tử đã hỗ trợ hiệu quả trong việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, giúp tổ chức tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của tổ chức, công dân được thực hiện nghiêm túc, công khai và minh bạch.

Đặc biệt, ông Đinh Sỹ Nguyên- Phó Giám đốc Sở TT-TT Quảng Ninh chia sẻ, sau 5 năm thực hiện xây dựng Chính quyền điện tử và Trung tâm Hành chính công, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Để nắm bắt cơ hội CMCN 4.0, UBND TP Hạ Long đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu công viên CNTT tập trung Quảng Ninh với tổng diện tích gần 92ha.

Khu công viên CNTT tập trung nhằm tạo ra môi trường làm việc về CNTT tập trung đạt tiêu chuẩn quốc tế, đồng bộ, hiện đại, để thu hút các doanh nghiệp đến làm việc, nghiên cứu, phát triển sản phẩm, giải pháp phần mềm,…

TS. Ngô Hải Phan- Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính trực thuộc Văn phòng Chính phủ cho biết: Trong bối cảnh hội nhập và cuộc CMCN 4.0 bùng nổ như hiện nay thì việc xây dựng và hoàn thiện CPĐT là việc hết sức quan trọng. Tuy nhiên, trong số các yếu tố như con người, công nghệ, thể chế, quy trình, nguồn lực,… thì con người đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là người đứng đầu.

Theo TS. Ngô Hải Phan, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025 là kế thừa, phát triển các chương trình ứng dụng CNTT, xây dựng CPĐT theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phù hợp với bối cảnh hiện nay và xu hướng phát triển của thế giới. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp hành chính, tập trung xây dựng và phát triển thành công CPĐT Việt Nam.  

Trong đó có các chương trình quốc gia, chương trình mục tiêu, kế hoạch ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính, đổi mới lề lối phương thức làm việc với ứng dụng CNTT.

“Xác định ứng dụng CNTT là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách hành chính và lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển CPĐT. Đặc biệt là xây dựng CPĐT theo hướng đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm,…”- TS. Ngô Hải Phan cho biết.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng: Cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra và liên quan đến mọi lĩnh vực trong đó CNTT-TT là một trong những thành phần nền tảng với những yếu tố cốt lõi là trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet vạn vật. Đối với Việt Nam, CMCN 4.0 được kỳ vọng tạo ra những thay đổi lớn trong phương thức quản lý, sản xuất, kinh doanh. CMCN 4.0 được coi là cơ hội lớn đưa đất nước đi lên hiện đại và thịnh vượng”.


Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Quang: Hội thảo Hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam lần 22 được tổ chức tại Vĩnh Long với chủ đề “Cách mạng công nghiệp 4.0: cơ hội cho ĐBSCL”, đây là cơ hội để các lãnh đạo UBND, các ngành địa phương tiếp thu ý kiến quý báu, đưa ra những đề xuất, kiến nghị thiết thực đối với Chính phủ, các bộ, ngành trung ương để tiếp tục có những chủ trương, chính sách phù hợp cho phát triển CNTT-TT trong xây dựng CQĐT, phát triển kinh tế - xã hội.

Bài, ảnh: TẤN ANH- THANH LIÊM