5 trường hợp viên chức không được hưởng trợ cấp thôi việc

Cập nhật, 21:26, Thứ Sáu, 30/10/2020 (GMT+7)

Tôi được biết, từ ngày 1/7/2020, Luật Viên chức sửa đổi, bổ sung chính thức có hiệu lực và quy định về trợ cấp thôi việc của viên chức cũng thay đổi. Trong đó, có một số trường hợp viên chức sẽ không được trợ cấp thôi việc, xin cho biết đó là những trường hợp nào?

Lê Văn Lâm

(Trà Ôn)

Trả lời:

Theo Điều 45 Luật Viên chức năm 2010, khi chấm dứt hợp đồng làm việc, viên chức sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định. Tuy nhiên, có 3 trường hợp sau sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc gồm: viên chức bị buộc thôi việc, vi phạm quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc (không báo trước bằng văn bản ít nhất 45 ngày và ít nhất 3 ngày nếu bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 6 tháng liên tục đối với viên chức làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn; không báo trước bằng văn bản ít nhất 3 ngày khi bị ngược đãi, cưỡng bức lao động, không được trả lương đầy đủ,… hoặc không báo trước ít nhất 30 ngày khi bản thân hoặc gia đình thật sự khó khăn không thể tiếp tục làm việc đối với viên chức làm việc theo hợp đồng có xác định thời hạn), chấm dứt hợp đồng làm việc khi viên chức có quyết định nghỉ hưu.

Ngoài ra, Nghị định 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2019 đã bổ sung thêm 2 trường hợp không được trợ cấp thôi việc là viên chức được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý chuyển đến làm việc ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong hệ thống chính trị; viên chức đã có thông báo nghỉ hưu, thuộc đối tượng tinh giản biên chế.

Như vậy, theo quy định hiện hành thì 5 trường hợp viên chức nêu trên khi chấm dứt hợp đồng làm việc sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc.

PHÒNG BẠN ĐỌC