Đừng để lòng sông, rạch là nơi chứa rác

Cập nhật, 10:01, Thứ Tư, 03/11/2021 (GMT+7)

Sông, rạch đồng bằng chằng chịt, quanh năm mang nguồn nước ngọt tưới cho hàng triệu héc ta đất canh tác, cấp nước sinh hoạt cho hàng chục vạn dân và nuôi nấng bao thế hệ bằng lượng thủy sản và phù sa dồi dào. Thế nhưng, ngày nay nhiều dòng sông, dòng kinh không còn thơ mộng như xưa, đã bị ô nhiễm mất rồi!

Tại Vĩnh Long, nhiều sông, rạch, kinh, mương là nơi chứa rác tự nhiên của người dân. Nhiều người đã vô tư thải vào lòng sông với đủ thứ rác thải. Ở nông thôn, dân lái tàu ghe ngán nhất là chân vịt máy tàu liên tục bị quấn bịch ny lông, bao bố khi đang chạy. Người lái xáng cạp nạo vét kinh thủy lợi cũng sợ nhất là múc đất dưới lòng kinh lên vướng đầy bịch ny lông, bao tải, chai lọ, dây nhợ,… Sông ngòi, kinh rạch càng vắng cá tôm. Dân quê không còn ham tắm sông nữa.

Ở các đô thị như TP Vĩnh Long, TX Bình Minh, việc thu gom rác thải ở các khu dân cư, ở ven các trục đường lớn và ở vùng lõi thuộc các phường trung tâm từ nhiều năm nay đã thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, ở các hẻm nhỏ trong khu dân cư và tại các phường ven đô chưa tổ chức được tổ thu gom rác nên chất thải rắn sinh hoạt (trong đó có chất thải nhựa và túi ny lông) thường được đổ thẳng ra kinh, mương. Nước thải ở các đô thị phần lớn chưa được xử lý cũng chảy thẳng ra sông, rạch. Nước sông ngả màu đen ngòm khi triều xuống.

Trong những năm qua, ngành tài nguyên và môi trường cùng với các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng và giảm thiểu rác thải và đã đạt được một số kết quả khả quan.

Đã có nhiều phong trào chống rác thải, bảo vệ môi trường được triển khai như: chống rác thải nhựa, tháng hành động vì môi trường, các mô hình như: mô hình 3T (tiết giảm- tái sử dụng- tái chế), mô hình “ngôi nhà chứa rác thải nhựa”, “ngôi nhà 100 đồng”, “thùng phân loại rác”,... cùng nhiều quy định về quản lý, xử phạt vi phạm hành chính về môi trường được ban hành. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại thì chưa được như kỳ vọng.

Các nhà khoa học cho rằng, tình trạng thiếu hụt nguồn nước về ĐBSCL là do khai thác nguồn nước phía thượng nguồn ngày càng gia tăng, do xâm nhập mặn, hạn hán… và do ô nhiễm nguồn nước bởi chính dân đồng bằng gây ra. Nguồn nước ngày càng hiếm hoi. Hãy chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước sông ngòi, kinh rạch. Đừng để nó thành nơi chứa rác thải!

MỸ TRUNG