Thấy gì khi người"tè bậy" giữa đường?

Cập nhật, 08:59, Thứ Ba, 29/03/2016 (GMT+7)

Mấy hôm nay cộng đồng mạng xã hội Facebook nói riêng và người dân cả nước thường xuyên theo dõi các thông tin sự kiện nói chung đang xôn xao bàn tán về hình ảnh một người đàn ông dừng ôtô và “tè bậy” giữa thanh thiên bạch nhật trên đường phố Thủ đô Hà Nội.

Nếu như người tè bậy đó là một em bé chưa đủ suy nghĩ và kiểm soát được những hành động, việc làm của mình, hay một người già cả đã lẫn lộn trí nhớ, hoặc là một người bị tâm thần... thì không có gì đáng nói. Đằng này người đàn ông tuổi còn khá trẻ làm cái chuyện vô văn hóa, thiếu ý thức và không tôn trọng mọi người cũng như chính bản thân mình kia lại ăn mặc khá lịch lãm, đi ôtô hẳn hoi thì quả là khó lòng chấp nhận được.

Chưa cần bàn đến chuyện người đàn ông ấy giàu có và có học hay không, nhưng việc tè bậy giữa đường phố trong lúc có rất đông đúc người xe lưu thông qua lại như vậy thì ông ta bị dư luận “ném đá” là điều khó tránh khỏi và không có gì là oan ức!

Có một số người lý giải theo chiều hướng cảm thông cho ông ta rằng: Có thể là do... buồn tiểu quá cỡ, đến không chịu nổi được nữa và không còn cách nào khác nên ông ta mới hành động như vậy! Thế nhưng đại đa số thì không đồng tình, vì nếu như có... buồn tiểu thật thì sao ông ta không đỗ xe vào lề đường để kiếm một nhà dân nào

đó xin đi nhờ, mà sao lại đi ra dải phân cách ở giữa đường tiểu cho thiên hạ người ta... chiêm ngưỡng vậy?

Vâng. dù có biện hộ hay lý giải như thế nào đi chăng nữa thì người đàn ông đó cũng sai và đáng bị lên án. Nghe đâu cơ quan chức năng đang truy tìm người đàn ông tè bậy giữa đường trên để xử phạt theo luật định, và việc có tìm được hay không thì chúng ta hãy còn phải chờ xem!

Việc đưa ra hình thức xử lý hành chính là tiền với người đàn ông tè bậy ở trên được rất nhiều người có đồng quan điểm ủng hộ. Và không riêng gì người đàn ông đã trở nên “quá nổi” vì... làm bậy trên cộng đồng mạng trong những ngày gần đây, mà thiết nghĩ chính quyền các thành phố trên cả nước cũng nên áp dụng hình thức phạt này một cách triệt để với tất cả những người khác khi họ đi đại- tiểu tiện bừa bãi, không đúng nơi đúng chỗ quy định, làm mất mỹ quan đô thị, làm ô nhiễm, mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng tới cộng đồng.

Một hình thức phạt những người đại- tiểu tiện bừa bãi nữa mà một số nước ở phương Tây thường áp dụng rất hiệu quả mà ta cũng có thể áp dụng, đó là ngoài phạt tiền thì người vi phạm còn phải lao động dọn vệ sinh công ích trong một khung thời gian quy định.

Nếu như áp dụng các hình phạt một cách nghiêm túc và nghiêm khắc với việc đại- tiểu tiện

bừa bãi nơi công cộng thì tôi tin chắc rằng hình ảnh phản cảm mà người ta xả bậy nơi gốc cây, lề phố sẽ giảm thiểu đáng kể, và lúc đó môi trường các đô thị sẽ trở nên xanh, sạch sẽ hơn.

Thế nhưng, nhìn nhận thực tế tại các đô thị ở nước ta, kể cả các đô thị lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng..., thì việc áp dụng các khung hình phạt đối với người đại- tiểu tiện bừa bãi sẽ là điều khá bất cập và cứng nhắc, khó khả thi, khi mà hệ thống nhà vệ sinh (WC) công cộng không chỉ quá ít, quá thiếu, mà còn quá dơ bẩn.

Đó còn chưa kể tới bấy lâu nay dân nghiện hút xì ke ma túy thường “chiếm” các WC công cộng để thỏa mãn cơn ghiền khiến cho nhiều người dù có “nỗi buồn” cũng ngại. Một trở ngại nữa cũng gần như “quyết định” tới việc người ta có đi vệ sinh đúng nơi đúng chỗ hay không, đó là tiền phí!

Vâng, nên chăng cùng với việc xây mới, lắp đặt nhiều các WC công cộng rải khắp trong và ngoài các đô thị thì việc xử lý tệ chiếm dụng các WC công cộng làm nơi hút hít của dân nghiện, cũng như đưa ra chính sách miễn phí tiền phí khi đi vệ sinh cũng cần được chính quyền các thành phố nghiên cứu thực thi, bởi có làm tốt những yếu tố đó thì sẽ càng có ít người đại- tiểu tiện bừa bãi và môi trường thành phố mới thực sự xanh- sạch- đẹp!

NGUYỄN THỊ LOAN