Mạng xã hội: Con dao hai lưỡi

Cập nhật, 08:21, Thứ Năm, 17/03/2016 (GMT+7)

Với đặc tính “cởi mở và kết nối”, mạng xã hội là nơi hữu ích để mọi người chia sẻ thông tin và là chiếc cầu nối để gắn kết những người bạn trên mọi miền đất nước, kể cả năm châu.

Song, gần đây, có không ít trường hợp đùa nghịch quá trớn trên mạng xã hội, gây nên những hậu quả đau lòng.

Hẳn mọi người vẫn còn nhớ vào tháng 7/2013, khi học sinh đang được bố mẹ tất bật chuẩn bị cho kỳ thi ĐH, thì ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) có người mẹ đang khóc vì mất con. Em học sinh đó tự tử vì trò đùa ghép ảnh đăng trên Facebook của bạn học.

Thay vì cảm thông, nhiều người lại chỉ trích hành động dại dột của em, rằng chỉ vì một trò đùa bé tẹo mà lại tự tử. Sẽ chẳng ai hiểu cảm giác của người bị trêu khi họ chưa trải qua phút giây đấy. Có những chuyện người ngoài cuộc tưởng chừng như trò đùa nhưng đối với chính người trong cuộc lại là một cuộc khủng hoảng ghê gớm.

Xét về góc độ nào đó, Facebook là sân chơi bổ ích cho thanh thiếu niên. Ở đây, các bạn có thể chia sẻ, tìm kiếm những thông tin thú vị, hoặc trò chuyện thư giãn sau những giờ học tập và làm việc căng thẳng.

Tuy nhiên, điều đáng nói hiện nay là không ít bạn trẻ lạm dụng trang mạng này cùng với công nghệ hiện đại trêu đùa, công kích, nói xấu người khác. Cách đây không lâu, một nữ sinh ở một trường THPT chụp ảnh “mát mẻ” làm kỷ niệm cho riêng mình.

Nhưng chẳng may, tấm ảnh này bị bạn cùng lớp phát hiện và phát tán lên mạng Facebook, gây xôn xao trong cộng đồng mạng, làm cho nữ sinh này hoang mang về tâm lý, việc học tập bị giảm sút. Nếu chẳng may, bạn ấy không suy nghĩ chín chắn, chắc hẳn sẽ có thêm một nạn nhân nữa trong trò chơi tai quái ấy.

Điều đáng bàn ở đây là khi những tấm ảnh được đăng tải lên thì có không ít người vào like (thích) và share (chia sẻ), với lời bình phong phú, đa dạng. Trong số đó, nhiều bạn sử dụng ngôn ngữ thiếu văn hóa. Liệu những bạn trẻ này có biết họ đang làm xấu đi hình ảnh của họ cũng như làm hạn chế tính ưu việt của trang mạng xã hội.

Các bạn ấy đâu biết rằng, hành động đó khiến cho nhiều người phải lắc đầu ngán ngẩm. Đó là nhiều người mượn mạng xã hội để công kích cá nhân, tôn giáo, sắc tộc, phân biệt vùng miền, chống phá Nhà nước hoặc lôi kéo đám đông vào những việc u mê…

Thiết nghĩ, đã đến lúc cơ quan quản lý lĩnh vực này nhập cuộc, ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quyền lợi cá nhân của người khác để không còn xảy ra chuyện đáng buồn như trường hợp của hai nữ sinh trên. Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường cần quan tâm nhiều hơn để nhắc nhở con em mình ý thức và thận trọng trước mặt trái của mạng xã hội.

NGUYỄN HOÀNG DUY