Cẩn trọng bệnh tay chân miệng đang vào mùa

Cập nhật, 19:30, Chủ Nhật, 12/06/2022 (GMT+7)

 

Phụ huynh khi phát hiện con có triệu chứng nghi ngờ tay chân miệng thì đến ngay cơ sở y tế khám bệnh để được bác sĩ khám, điều trị kịp thời.
Phụ huynh khi phát hiện con có triệu chứng nghi ngờ tay chân miệng thì đến ngay cơ sở y tế khám bệnh để được bác sĩ khám, điều trị kịp thời.

Thời tiết thay đổi bất thường đang tạo điều kiện cho các bệnh truyền nhiễm gia tăng, bên cạnh bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng (TCM) cũng tăng nhanh tại Vĩnh Long và nguy cơ bùng phát thành dịch rất cao.

Bệnh TCM đang vào mùa

Theo thống kê của ngành y tế Vĩnh Long, tính đến ngày 5/6, toàn tỉnh ghi nhận gần 170 trường hợp mắc bệnh TCM. Song, điều đáng quan tâm là trong tháng 5 số ca mắc bệnh TCM được ghi nhận gần 80 ca, chiếm gần 70% tổng số ca mắc trong 5 tháng đầu năm và đang tiếp tục có chiều hướng gia tăng.

Có con đang điều trị TCM tại Khoa Nhi BVĐK tỉnh, chị Nguyễn Hồng Thúy (Phường 8- TP Vĩnh Long) cho biết: Con của chị học mẫu giáo, cách đây 4 ngày, ở nhà con có biểu hiện sốt cao hơn 38 độ C, bức rứt, nổi bóng nước ở lòng bàn tay, chân và họng.

Sốt cao khó dứt là một trong những biểu hiện của con chị Thúy khi mắc bệnh TCM. Triệu chứng này không chỉ khiến gia đình chị mà còn khiến nhiều bậc phụ huynh khác dễ nhầm lẫn với COVID-19 hay các bệnh truyền nhiễm khác, nguy hiểm hơn khi các bệnh lý này có thể xuất hiện cùng lúc ở trẻ.

Tại Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long, chị Nguyễn Ngọc Kiều Trang vẫn chưa hết bàng hoàng khi những ngày vừa qua chứng kiến cảnh con mình bị co giật liên tục vì mắc bệnh TCM. “Tôi thấy bệnh TCM rất nguy hiểm, bệnh chuyển biến rất nhanh, khi mắc bệnh con chuyển sốt cao đột ngột, nôn ói khiến gia đình hoang mang vô cùng. Đưa vào viện bác sĩ nói cấp độ 2 tình trạng cũng nguy hiểm, đưa vô 6 ngày điều trị nay cũng đỡ hơn nhiều”- chị Trang nói.

Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, bệnh TCM về mặt chẩn đoán không khó, song, bệnh TCM có thể xảy ra đồng thời với nhiều bệnh truyền nhiễm khác kể cả COVID-19. Những dấu hiệu đầu tiên là sốt cao có thể xảy ra ở nhiều bệnh truyền nhiễm khác nhau, vì vậy cần phải thăm khám kịp thời.

Ngoài sốt cao, những dấu hiệu đặc trưng của bệnh TCM là phát ban dạng phỏng nước ở bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông, đau rát ở răng, miệng, tiêu chảy, co giật… Hiện nay, bệnh không chỉ đang gia tăng về số ca mắc mà các trường hợp nặng có biến chứng chiếm tỷ lệ khá cao và diễn biến cũng khó lường. Đáng lo ngại, nếu không được phát hiện, điều trị sớm bệnh có thể diễn tiến rất nhanh và gây tử vong có thể chỉ trong vòng 24 giờ.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Tuyết Mai- Trưởng Khoa Nhi Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long cho biết: “Tình hình bệnh TCM đa số 90% trẻ độ 1 tự diễn tiến tạm ổn và tự hồi phục. Tuy nhiên có khoảng 10% trẻ có nguy cơ chuyển nặng. Trong thời điểm hiện tại chúng tôi ghi nhận có những trẻ độ 2A, 2B và thậm chí có nguy cơ chuyển bệnh nặng hơn”.

Để tránh lây lan bệnh TCM, khi chăm sóc trẻ tại nhà, phụ huynh cần: Vệ sinh sạch sẽ nơi ở của trẻ, tẩy trùng các vật dụng, đồ chơi của trẻ bằng dung dịch sát khuẩn hoặc bằng Cloramin B. Quần áo của trẻ nên ngâm trong nước nóng và phơi nắng sau khi giặt. Dùng riêng chén, ly, muỗng… Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà bông, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, trước khi ẵm trẻ, sau khi thay tã, quần áo và làm vệ sinh cho trẻ.

Chủ động phòng, chống bệnh TCM cho trẻ

Theo bác sĩ điều trị, hiện nay đa phần phụ huynh có kiến thức cao trong việc bảo vệ sức khỏe trẻ nên hầu hết trẻ mắc bệnh TCM được đưa đến cơ sở y tế điều trị kịp thời. Tuy nhiên, khi trẻ mắc bệnh cần theo dõi những dấu hiệu bệnh nặng như trẻ giật mình chới với, đi đứng loạn choạng, quấy khóc, lơ mơ phải báo ngay với bác sĩ để được điều trị kịp thời. Vì bệnh có thể xảy ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng trẻ.

Hầu hết các ca bệnh được xuất viện sau khoảng 3 đến 5 ngày điều trị. Dự báo thời gian tới, trẻ bị nhiễm bệnh TCM trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có khả năng tăng cao, phụ huynh cần lưu ý để đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị kịp thời. Trưởng Khoa Nhi Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long- Trần Thị Tuyết Mai cho biết: “Bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm đối với trẻ đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi có thể gây biến chứng lên tim, lên não gây viêm cơ tim gây phù não do đó phụ huynh hết sức lưu ý khi phát hiện con có triệu chứng nghi ngờ TCM thì đến ngay cơ sở y tế khám bệnh để được bác sĩ khám, điều trị kịp thời”.

Bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm được đánh giá là có khả năng lây lan và bùng phát thành dịch rất cao, đặc biệt là trong những môi trường đông trẻ. Đường lây truyền chính của bệnh TCM là qua đường tiêu hóa. Vì thế việc thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho trẻ sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe trẻ trước căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Tuyết Mai lưu ý với phụ huynh: “Không phải chúng ta theo dõi trẻ có bao nhiêu hồng ban, bao nhiêu bóng nước mà những triệu chứng nguy hiểm là sốt cao trên 390C giật mình chới với phải đưa trẻ đến khám ngay. Để phòng ngừa bệnh TCM khuyến cáo giữ gìn vệ sinh, tắm trẻ thường xuyên, vệ sinh tay và người chăm sóc trẻ phải thường xuyên vệ sinh trước và sau chăm sóc trẻ”.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN