Diện mạo mới của giáo dục Vĩnh Long

Cập nhật, 15:11, Thứ Tư, 18/05/2022 (GMT+7)

 

Trường đạt chuẩn quốc gia ngày càng tăng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.Ảnh: TL
Trường đạt chuẩn quốc gia ngày càng tăng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.Ảnh: TL

Từ những ngày đầu tái lập tỉnh, giáo dục Vĩnh Long còn nhiều khó khăn đặc biệt về cơ sở vật chất; đến nay, diện mạo trường lớp có nhiều thay đổi theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Nhờ đó, học sinh có điều kiện học tập tốt hơn, chất lượng giáo dục ngày một nâng cao.

 

Diện mạo đổi thay

Năm 1992, sau khi tách tỉnh, Vĩnh Long chỉ có 258 trường học, trên 5.000 lớp với 183.000 học sinh. Toàn tỉnh có 2.000 phòng học tre lá. Đối với những thầy cô công tác khoảng 30 năm, học sinh thế hệ 8X thì học phòng học xuống cấp, phòng học tre lá tạm bợ là những kỷ niệm “không thể nào quên” về một thời khốn khó.

Nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Trà Ôn- Nguyễn Minh Thiện không quên: “Năm học 1991- 1992, tôi được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Trà Ôn. Lúc đó, quy mô của trường lên đến 85 lớp, phải cất thêm một số phòng học tạm mới đủ phòng học phục vụ dạy và học. Kỷ niệm không sao quên được về lúc ấy là những phương tiện quản lý chuyên môn “tự chế” ở một quy mô trường quá tải và những đêm thức trắng bên tấm bảng thời khóa biểu phủ cả một bức tường lớn với chi chít những tấm thiếc nhỏ ghi tên giáo viên bộ môn trên từng tiết dạy với đủ màu sắc theo từng môn học. Tấm bảng một thời đã gây lòng “trắc ẩn” cho không ít người!

Đối với những xã thuộc các cù lao, xã vùng sâu như cù lao An Bình (Long Hồ), cù lao Dài (Vũng Liêm), xã Vĩnh Xuân (Trà Ôn) thì chuyện có một ngôi trường cấp 3 cho học sinh thuận tiện đến trường, trước đây chỉ là mơ ước. Nay, trường lớp được xây dựng, trường THPT, THCS và THPT đáp ứng nhu cầu học tập thuận lợi nhất cho học sinh. Cùng với đó là chất lượng giáo dục luôn được đảm bảo, nhiều trường sánh ngang với các trường tỉnh, trường điểm huyện.

Cơ sở 2 mới hoàn thành đưa vào sử dụng của Trường THCS và THPT Phú Quới (Long Hồ).
Cơ sở 2 mới hoàn thành đưa vào sử dụng của Trường THCS và THPT Phú Quới (Long Hồ).

Trường THPT Vĩnh Xuân là một điển hình như vậy, được thành lập đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trong và ngoài xã. Ngôi trường vùng sâu non trẻ đã giúp học sinh ở xã Vĩnh Xuân được học gần nhà, không phải học lớp 10 ở THPT Trà Ôn hoặc qua huyện Tam Bình học.

Sau khi tái lập tỉnh năm 1992, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức khi thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chỉ còn lại 40%. Tỉnh đã huy động 3 nguồn ngân sách trung ương, tỉnh, huyện, xã và nhân dân, tập trung đầu tư xây dựng hệ thống trường, lớp, giải quyết tình trạng học 3 ca do thiếu phòng. Đến năm 1995, Vĩnh Long cơ bản xóa phòng học tre lá và không còn học ba ca.

Chất lượng nâng tầm

Hiện nay, cơ sở vật chất trường học trên địa bàn tỉnh được đầu tư khang trang, sạch, đẹp. Môi trường học tập hiện đại, đầy đủ thiết bị, phương tiện, đồ dùng dạy học, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường vui chơi, học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng. Toàn tỉnh có 412 trường mầm non, phổ thông với trên 200.000 học sinh các cấp.

Thầy Lê Công Vinh- giáo viên Trường THCS- THPT Phú Quới (Long Hồ) người có trên 30 năm đứng trên bục giảng cho biết: “Trước kia ngôi trường ẩm thấp, mùa mưa học sinh đi học rất vất vả, giáo viên dạy cũng rất là cực khổ. Hiện nay trường lớp cũng như cơ sở vật chất thiết bị dạy học đầy đủ, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học tốt hơn”.

Cơ sở mới của Trường THCS- THPT Phú Quới được đưa vào sử dụng đầu năm 2022 cho khối 10, 11 và 12. Em Đặng Thị Minh Anh- học sinh lớp 12 hớn hở vì được là những học sinh đầu tiên học trong ngôi trường mới khang trang. Minh Anh chia sẻ: “So với trước đây, thời cô chú ba mẹ của em đi học thì hiện tại tụi em được, học tập trong môi trường tốt hơn, đầy đủ cơ sở vật chất hơn. Lớp học hiện đại, thoáng mát, sạch sẽ, … nhà vệ sinh thân thiện. Có điều kiện tốt em tự tin và sẽ cố gắng học tập tốt hơn để đạt kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới”.

Cùng với những đổi thay về bộ mặt trường lớp, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên không ngừng lớn mạnh. Từ buổi đầu thiếu về số lượng và trình độ đào tạo chưa đạt chuẩn, đến nay cả tỉnh có trên 15.000 cán bộ quản lý, giáo viên; trong đó trên 90% đạt chuẩn và hơn 20% trên chuẩn.

Cấp học mầm non cũng được quan tâm đầu tư, trường lớp sạch đẹp, có đủ sân chơi, đồ dùng cho các bé.
Cấp học mầm non cũng được quan tâm đầu tư, trường lớp sạch đẹp, có đủ sân chơi, đồ dùng cho các bé.

Sau 30 năm tái lập tỉnh, mạng lưới trường, lớp học từ mầm non đến phổ thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long phát triển mạnh. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được chuẩn hóa. Từ đó góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn theo yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

Hiện nay, Vĩnh Long có trên 61% trường học đạt chuẩn quốc gia. Tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, 3 và năm 2021 xếp thứ 8 cả nước về điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT.

 

 

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong thời gian tới: “Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định việc quy hoạch lại mạng lưới trường lớp gắn với nâng cao chất lượng giáo dục là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Thứ hai là sẽ tiếp tục xây dựng các kế hoạch các chương trình các đề án nhằm đảm bảo các điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thứ ba là quan tâm đó là đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Thứ tư là đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển giáo dục đào tạo đặc biệt là chuyển đổi số”.

 

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN