Chương trình mới, môn Lịch sử cũng cần đổi mới

Cập nhật, 14:10, Thứ Ba, 17/05/2022 (GMT+7)

Là một người yêu thích môn Lịch sử, bản thân tôi không ít lần trăn trở về môn Lịch sử trong trường học. Giá trị còn lại cho học sinh sau khi học môn Lịch sử là gì? Tại sao môn Lịch sử là một trong những môn học có điểm thi trung bình tốt nghiệp THPT thấp? Trước khi bàn về việc môn Lịch sử là tự chọn hay bắt buộc thì thiết nghĩ chúng ta cần “làm mới” nội dung chương trình, cách học môn Lịch sử đã!

Lịch sử là không thể thay đổi nhưng cách dạy và nội dung trọng tâm chương trình đòi hỏi học sinh phải nắm được qua bài học có thể thay đổi. Muốn biết thay đổi như thế nào, cứ hỏi và làm một cuộc khảo sát học sinh và những người từng là học sinh về môn học này!

Theo tôi, chương trình Lịch sử phải là một thể thống nhất theo trình tự logic và có thống kê, nhắc lại thường xuyên cho học sinh theo sơ đồ “tiến trình lịch sử Việt Nam”. Dĩ nhiên, chương trình Lịch sử trước đây đã có phân chia theo thời gian nhưng vẫn chưa kết nối chặt chẽ nên học sinh học rời rạc và khó nhớ. Thêm vào đó, chương trình lịch sử, đặc biệt cấp THPT còn nặng về các mốc thời gian, sự kiện, trận đánh,… của những sự kiện, nên càng khó nhớ.

Tình yêu lịch sử, yêu đất nước trong tôi mãnh liệt hơn khi tôi may mắn được tiếp xúc nhiều gia đình liệt sĩ, những Bà mẹ Việt Nam anh hùng thông qua công việc sau khi ra trường. Đó là những liệt sĩ hy sinh cho đồng đội rút lui an toàn; những người mẹ hy sinh núm ruột của mình mà phải “đợi đến đêm mới dám khóc”; thậm chí, đến giờ có mẹ còn thao thức vì chưa tìm được hài cốt của con,… Tôi yêu lịch sử thông qua những con người “làm nên lịch sử” như thế. Trong khi ở chương trình học, con người ít được nhắc đến hơn là các sự kiện, con số rối rắm và rất dễ nhầm lẫn. Dĩ nhiên, đây chỉ là góp ý của cá nhân tôi, một người yêu lịch sử và mong muốn lan tỏa tình yêu này đến với mọi người.

Từ năm học 2022-2023, ở cấp THPT, Lịch sử trở thành môn học lựa chọn thay vì bắt buộc; còn ở THCS, môn Lịch sử không đứng riêng mà là một phân môn trong môn Lịch sử và Địa lý.

Tôi nghĩ và tin rằng ngành giáo dục không hề xem nhẹ môn Lịch sử, mà bởi vì, như Bộ GD- ĐT có thông tin: “Chương trình các năm học trước đã ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp tiểu học và THCS, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, cơ bản và toàn diện”.

Dĩ nhiên, dưới góc độ cá nhân là người yêu thích môn Lịch sử, tôi mong đây là môn học bắt buộc. Đồng thời, cần được đổi mới để phát huy tốt hơn nữa ý nghĩa, tầm quan trọng của lịch sử.

CAO HUYỀN