Giáo dục Vĩnh Long 30 năm một chặng đường phát triển

Cập nhật, 21:10, Thứ Tư, 27/04/2022 (GMT+7)
Giáo dục phổ thông khẳng định chất lượng giáo dục.
Giáo dục phổ thông khẳng định chất lượng giáo dục.

Từ những ngày đầu tái lập tỉnh nhiều khó khăn, ngành GD- ĐT Vĩnh Long đã vươn lên trở thành một trong 10 tỉnh có điểm thi trung bình tốt nghiệp THPT cao nhất cả nước. Đồng hành với giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp không ngừng nâng cao chất lượng, khẳng định uy tín.

30 năm phấn đấu

Những ngày đầu mới tái lập tỉnh, ngành giáo dục đứng trước những thách thức to lớn, thiếu thốn đủ bề: về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.

NGND. TS. Đặng Huỳnh Mai- nguyên Thứ trưởng Bộ GD- ĐT, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long cho biết: “Năm 1992, sau khi tách tỉnh, Vĩnh Long có 2.000 phòng học tre lá, giáo viên còn 40%, cơ sở vật chất rất khó khăn, rồi định hướng 10 năm tới phát triển như thế nào…”. Theo bà Đặng Huỳnh Mai, một trong những thuận lợi khi đó là Vĩnh Long sau tách tỉnh có diện tích nhỏ, nên có điều kiện sát sao từng trường. “Bước thứ hai là xây dựng đội ngũ giáo viên, trong khi làm kế hoạch chúng tôi rà soát đội ngũ đạt chuẩn và chưa đạt chuẩn là bao nhiêu. Sau đó, chúng tôi quan tâm giáo dục mũi nhọn theo chỉ đạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đầu tư xây dựng một trường chuyên tuyển từ lớp 6, đầu tư sớm có chiều sâu”- bà Huỳnh Mai nhận xét.

Từ năm 2011, thực hiện Nghị quyết 29 của BCH Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện GD- ĐT, ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Long đã chú trọng đến việc cải tiến chương trình học theo hướng phát huy tính tích cực, tăng cường sự chủ động, sáng tạo, và phát triển tư duy của học sinh trong quá trình dạy và học.

Qua đó, không chỉ ở các trường thành thị mà chất lượng giáo dục ở các trường vùng nông thôn đều có sự chuyển biến tích cực ở các cấp học, chất lượng giáo dục không ngừng nâng lên. Giám đốc Sở GD- ĐT- Trương Thanh Nhuận cho rằng: “Thành tựu nổi bật của ngành giáo dục trong 30 năm qua là sự phát triển của đội ngũ nhà giáo cả về số lượng và chất lượng. Số lượng đủ các cấp học, nhất là giáo viên mầm non đã đủ so quy định. Trong đó 4% cán bộ quản lý giáo viên có trình độ thạc sĩ, năng lực chuyên môn được phát triển, khả năng ứng dựng CNTT trong dạy học cũng như nghiên cứu tốt hơn, đáp ứng nhu cầu dạy học và chuyển đổi số trong giáo dục. Về nhận thức chính trị, ý thức nghề nghiệp được nâng lên là niềm tin để đội ngũ vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Giáo dục chuyên nghiệp trên đường phát triển

Sự phát triển của GD- ĐT Vĩnh Long 30 năm qua, phải kể đến vai trò của các trường ĐH, CĐ trong tỉnh. Sau khi tái lập tỉnh, Vĩnh Long chỉ có 2 trường trung cấp, 1 trường cao đẳng và 1 trung tâm tại chức. PGS.TS. Cao Hùng Phi, người hơn 40 năm gắn bó với giáo dục chuyên nghiệp Vĩnh Long, cho biết: “Phải nói rằng ngành GD- ĐT Vĩnh Long phát triển hết sức ấn tượng. Đến nay đã có 3 trường ĐH, 1 phân hiệu ĐH với đa dạng ngành nghề. Vĩnh Long là tỉnh có nhiều trường ĐH trong khu vực và góp phần đào tạo nhân lực, đáp ứng sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh”.

Trong tương lai, các trường ĐH sẽ nâng cao chất lượng hơn nữa, mục tiêu là đào tạo con người hoàn thiện về kiến thức, kỹ năng, thái độ. Và để thực hiện những điều này, PGS.TS. Cao Hùng Phi cho rằng: “Bản thân các trường phải chủ động có chương trình đào tạo phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới; đào tạo đội ngũ chất lượng để đáp ứng giảng dạy chương trình đó và đầu tư cho cơ sở vật chất. Dĩ nhiên, vấn đề vật chất, cơ chế chính sách, đất đai,… cần địa phương, Trung ương hỗ trợ”.

Các trường ĐH đã và đang phát triển, khẳng định chất lượng đào tạo.
Các trường ĐH đã và đang phát triển, khẳng định chất lượng đào tạo.

Trong chuyến làm việc tại Vĩnh Long vào tháng 4/2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và đặc biệt là nhân dân Vĩnh Long. “Đây là vùng đất có truyền thống hiếu học ở ĐBSCL. Tới đây sẽ có những đánh giá bàn về chuyển trạng thái giáo dục ĐBSCL khi 10 năm trước là “vùng trũng giáo dục”. Sau hơn 10 năm quyết tâm, chúng ta không còn là vùng trũng, đánh giá vừa rồi như Vĩnh Long đây, chất lượng giáo dục phổ thông, kỳ thi tốt nghiệp THPT là một trong 10 tỉnh cả nước đứng đầu về điểm thi. Chúng tôi đánh giá cao sự nỗ lực, kiên trì của địa phương”.

Phó Thủ tướng cũng kỳ vọng các trường ĐH ở Vĩnh Long sẽ phát triển hơn nữa, khẳng định “tên tuổi” của mình. Theo Phó Thủ tướng, các trường ở Vĩnh Long và các trường ở ĐBSCL cần tăng cường trao đổi sinh viên phía Nam với các tỉnh phía Bắc trong quá trình học để các cháu hiểu thêm văn hóa nước mình.

 

NGND.TS. Đặng Huỳnh Mai: “Sau tách tỉnh, giáo dục được tạo điều kiện thuận lợi, chúng tôi có thể quán xuyến toàn thể phạm vi mình quản lý, đội ngũ giáo viên tâm huyết khi mà ban giám đốc tiếp cận đội ngũ cơ sở, mọi người đồng lòng và chất lượng giáo dục nâng lên thấy rõ từ học sinh giỏi, tỷ lệ tốt nghiệp và cơ sở vật chất từng bước từng bước nâng lên”.

 


 

BVL_a (18).jpg

 

Giám đốc Sở GD- ĐT- Trương Thanh Nhuận: Thời gian tới, toàn ngành tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ trước mắt nâng cao năng lực chính trị, ý thức nghề nghiệp. Thứ hai là, nâng cao năng lực chuyên môn để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông. Đặc biệt là nâng cao năng lực phát triển chương trình, đáp ứng việc phát triển năng lực phẩm chất cho học sinh, cũng như tăng cường năng lực ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện tốt chuyển đổi số trong giáo dục”.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Các tin khác: