"Bắt tay" để vực dậy du lịch ĐBSCL

Kỳ 2: Làm mới mình để "bứt tốc"

Cập nhật, 15:39, Thứ Ba, 29/03/2022 (GMT+7)

Sau thời gian dài “ngủ đông” bởi đại dịch COVID-19, du lịch các tỉnh ĐBSCL rục rịch “chuyển mình” với nhiều màu sắc, sản phẩm mới, sẵn sàng đón du khách khi Chính phủ quyết định mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3.

Xu hướng du lịch trong “bình thường mới” là du lịch xanh và hướng về trải nghiệm chiều sâu văn hóa, ẩm thực.
Xu hướng du lịch trong “bình thường mới” là du lịch xanh và hướng về trải nghiệm chiều sâu văn hóa, ẩm thực.

Xây dựng sản phẩm đặc thù, hướng đến du lịch xanh

Vừa có những chuyến đi khảo sát sản phẩm du lịch các tỉnh ĐBSCL, anh Võ Văn Phong- Giám đốc Công ty Truyền thông và Du lịch C2T (Bến Tre) chia sẻ, không thể nói du lịch phục hồi như cũ, mà thị hiếu du lịch và cách thức mua tour đã thay đổi theo xu hướng khác dưới tác động của dịch COVID-19. Du khách chọn đi du lịch ngắn ngày, hướng về nghỉ dưỡng, tự đặt dịch vụ lưu trú và vé máy bay, đi theo nhóm nhỏ (gia đình, bạn bè), tăng chiều sâu về tương tác, nhất là du lịch nông thôn, tìm hiểu văn hóa, ẩm thực bản địa. Anh Phong nói, tour du lịch mới sẽ có “nhiều linh hoạt”: “Linh hoạt đi- giữ chỗ, linh hoạt trong thiết kế hành trình tour, mang tính chất cá nhân, tùy biến từng ngày, không cứng nhắc; và linh hoạt trong xử lý những trường hợp du khách có vấn đề phát sinh về sức khỏe, nhiễm bệnh…”

Anh Võ Văn Phong từng giành giải nhất tại cuộc thi khởi nghiệp toàn quốc vào cuối năm 2018 với dự án khai thác tài nguyên bản địa làm du lịch. Với anh, hình ảnh địa phương vô cùng quan trọng, anh góp ý nhà vườn chỉnh trang vườn trái cây, đầu tư bàn ăn, ghế ngồi dưới tán cây, cầu dừa qua bờ vườn... Việc bán thức ăn, trái cây không được phép “chặt chém” làm mất lòng tin của khách. Tham gia tour du lịch rừng ngập mặn cùng anh, du khách được trải nghiệm đi trên bãi bồi, bẫy cá thòi lòi biển, chế biến món cá nướng muối ớt, hái bần nấu canh chua cá. Du khách còn được thông tin về biến đổi khí hậu, nước biển dâng và cùng trồng rừng. Nếu có nhà vườn nào trong chuỗi liên kết du lịch của anh tổ chức đám giỗ, đám cưới, anh sẽ mời khách tham dự, nhiều khách Tây rất thích thú khi trải nghiệm văn hóa của người Việt ở miền Tây…

Đồng tình với quan điểm hướng đến du lịch xanh, anh Trần Thanh Thái- Quản lý Khu nghỉ dưỡng Bình Minh Ecolodge (Vĩnh Long) cho biết, trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch sẽ quan tâm hơn đến sức khỏe du khách: “Du khách đến được chuyển sang phục vụ ăn sáng với món chay hoặc có yêu cầu món thực dưỡng, thanh lọc cơ thể thì chúng tôi có thể nhận phục vụ từ 7- 10 ngày theo yêu cầu của khách”.

Út Trinh Homestay (huyện Long Hồ, Vĩnh Long) được công nhận là homestay đạt chuẩn ASEAN đầu tiên của khu vực ĐBSCL. Khi dịch bùng phát, nơi đây cũng linh hoạt tìm cách đối mặt với khó khăn. Chủ cơ sở Út Trinh Homestay- chị Phạm Thị Ngọc Trinh cho biết: “Homestay ngừng hoạt động hoàn toàn từ sau tháng 3/2020, tiễn những đoàn khách cuối cùng, anh em đã bật khóc. Thách thức lớn vì không có doanh thu mà sau lưng là nhân sự hơn 100 anh chị em cùng làm đã hơn 10 năm. Những ngày khó khăn nhất, chúng tôi bán đặc sản của Vĩnh Long như những sản phẩm OCOP, trái cây, tôm cá tươi sống vùng sông nước, đặc biệt là những món ăn ở nhà nấu”.

Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin

Để thúc đẩy hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, anh Võ Văn Thông góp ý, chính quyền, doanh nghiệp và nông dân cần có sự liên kết chặt chẽ tạo ra tour tuyến mang tính chất liên hoàn, khép kín. Trung tâm thông tin, xúc tiến du lịch các tỉnh cần có chiến lược marketing chung để giảm chi phí, đẩy mạnh công tác truyền thông nhiều hơn trên mạng xã hội, tận dụng sức mạnh của công nghệ số.

Chỉ thị số 16/2017/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ghi: “Ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh”. Việc sử dụng công nghệ trong du lịch từ lâu đã trở nên phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam trong những năm gần đây. Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.

Tổng cục Du lịch đã xây dựng và giới thiệu ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”. Du khách có thể dễ dàng tra cứu mức độ an toàn tại điểm đến, cập nhật bản đồ số để biết cảnh báo an toàn và tìm kiếm thông tin về các dịch vụ (nhà hàng, khách sạn…). Qua hệ thống này, các công ty lữ hành sẽ khai báo các thông tin về tour du lịch, lượng khách tham gia, tiến hành check in an toàn tại những địa điểm tham quan… dữ liệu sẽ được kết nối đến các địa phương cũng như cơ quan quản lý. Cách làm này sẽ góp phần kiểm soát và phòng, chống dịch.

Những hình ảnh về du lịch Việt Nam được quảng bá và giới thiệu rộng rãi trên các nền tảng trực tuyến đến các du khách trong nước và quốc tế. Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) ghi nhận dữ liệu phân tích từ công cụ Google Destination Insights cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh. Lượt tìm kiếm vào thời điểm ngày đầu tiên của năm 2022 tăng 222% so với tháng trước và tăng 248% so với cùng kỳ 2021. Cũng từ đầu tháng 1 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam đang duy trì ở mức rất cao, có thời điểm tăng 425%. Tổng cục Du lịch đánh giá đây là tín hiệu đầy khả quan về một sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch năm 2022, tạo đà thuận lợi khi mở cửa đón khách quốc tế.

Tại Vĩnh Long, theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch- Phan Văn Giàu, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi mạnh mẽ hình thức xúc tiến du lịch để thích ứng với tình hình mới. Ngành du lịch chuyển từ quảng bá trực tiếp sang quảng bá, xúc tiến trên các kênh truyền thông, các trang mạng xã hội (Youtube, Fanpage, Zalo...), đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến du lịch, tuyên truyền về điểm đến an toàn cho du khách.

UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Đề án Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2021- 2025. Ngành du lịch phải thực hiện nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin làm nền tảng cho sự phát triển du lịch. Qua 1 năm triển khai đề án, ngành du lịch đạt một số kết quả đáng khích lệ. Một số doanh nghiệp thực hiện tốt công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua các trang mạng xã hội và Cổng thông tin du lịch như: Homestay Út Trinh, Công ty CP Du lịch Cửu Long, Khách sạn Phước Thành IV, Khu du lịch Sala Việt... từng bước tạo nên sức lan tỏa trong cộng đồng làm du lịch ở địa phương.

>> Kỳ cuối: “Muốn đi xa phải đi cùng nhau”

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY