Hướng dẫn y tế để mở cửa du lịch thực sự

Cập nhật, 07:35, Thứ Năm, 24/03/2022 (GMT+7)

Ngày 16/3, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể đối với du khách nhập cảnh vào Việt Nam; trong đó, đã bỏ quy định cách ly là quyết định phù hợp và thuận lợi cho doanh nghiệp, cũng như du khách thúc đẩy các chương trình đến Việt Nam mạnh mẽ hơn.

Đông đảo du khách đã chọn tour Phú Quốc.
Đông đảo du khách đã chọn tour Phú Quốc.

Khách quốc tế không phải cách ly

Cuối cùng, Bộ Y tế cũng có hướng dẫn cụ thể đối với du khách nước ngoài, dù có muộn hơn so với thời điểm du lịch đã mở cửa trước đó 1 ngày. Thực tế cũng cho thấy, đòi hỏi phải thông thoáng mọi thủ tục dễ dàng cho khách nhập cảnh, đồng thời phải cân nhắc trước tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, là quyết định không hề dễ dàng.

Tuy nhiên, việc Bộ Y tế bỏ quy định cách ly đối với khách nhập cảnh đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía doanh nghiệp và du khách. Theo đó, người nhập cảnh đều phải thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh và sử dụng ứng dụng khai báo y tế (PC-COVID) trong suốt thời gian lưu trú tại Việt Nam. Theo Công văn 1265 của Bộ Y tế gửi UBND các tỉnh, thành và các bộ, ngành về hướng dẫn phòng, chống dịch đối với người
nhập cảnh.

Hướng dẫn nêu rõ, người nhập cảnh theo đường hàng không cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh trong vòng 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên với SARS-CoV-2; và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận.

Các trường hợp nhập cảnh theo đường bộ, đường thủy, đường sắt phải có xét nghiệm như với nhập cảnh đường hàng không (trừ trẻ em dưới 2 tuổi). Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ đầu (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên với SARS-CoV-2) kể từ khi
nhập cảnh.

Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì được rời khỏi nơi lưu trú và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo
quy định.

Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, phải báo cáo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời. Người nhập cảnh đều phải thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh và sử dụng ứng dụng khai báo y tế (PC-COVID) trong suốt thời gian lưu trú tại Việt Nam. Trong thời gian 10 ngày kể từ khi nhập cảnh cần tự theo dõi sức khỏe.

Trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc phải xét nghiệm SARS-CoV-2, chưa được tiêm hoặc chưa từng bị nhiễm SARS-CoV-2 đều được tham gia các hoạt động ở ngoài nơi lưu trú cùng bố, mẹ, người thân.

Những dự báo nguồn khách

Sau thời điểm mở cửa, chúng ta còn phải tiếp tục nhiều việc để có thể vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, vừa khuyến khích mạnh mẽ nguồn khách sớm quay trở lại Việt Nam. Trên thực tế, sau hơn 2 năm đóng cửa cả doanh nghiệp, lẫn du khách đều có những đổi thay. Về phía du khách là tâm lý e dè, thăm dò và sẽ có những lựa chọn khác biệt hơn, mà doanh nghiệp cần phải nắm bắt và cần có những điều chỉnh phù hợp xu hướng du lịch mới, đặc biệt là sự khôi phục hạ tầng, nguồn nhân lực cũng là những bài toán khó cho phần lớn những doanh nghiệp nhỏ, các cơ sở nhỏ địa phương thiếu tiềm lực.

Tùy theo tình hình dịch bệnh, hiện các quy định “rào cản” ở các nước sẽ có sự khác biệt, đây cũng là vấn đề ngành du lịch cần phối hợp kịp thời với ngành y tế và các cơ quan hữu quan, nhanh chóng, linh động có những điều chỉnh tạo thuận lợi tối đa nhưng phải bảo đảm an toàn, cũng sẽ là cơ hội giúp chúng ta “vượt trước” trong thu hút nguồn khách quốc tế “hậu COVID-19”.

Thị trường truyền thống chiếm khoảng 50% nguồn khách quốc tế đến từ các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, đặc biệt là Trung Quốc sẽ gặp khó vì những quy định y tế của nước sở tại. Trong khi nguồn khách có thời gian lưu trú dài và tiêu xài mạnh đến từ Nga cũng sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới. Trong khi đây là thời điểm Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho những nguồn khách nghỉ đông, do đó nhận định cần có sự quan tâm đặc biệt đến thị trường Đông Âu, Bắc Âu. Đồng thời, là thị trường lân cận khu vực Đông Nam Á.

Theo một số hãng lữ hành có nguồn khách lớn đến từ Nhật Bản, thì đang tất bật triển khai các gói tour trọng điểm đón đợt nghỉ truyền thống “Tuần lễ vàng” của khách Nhật trong cuối tháng 4 và đầu tháng 5 này. Những chương trình đón khách đầu tiên sau 2 năm mở cửa trở lại là rất quan trọng, nó có tính ảnh hưởng đến nguồn khách tiếp theo trong tương lai.

Trong khi đó, thị trường nội địa đã có những dấu hiệu khởi sắc rõ rệt, nhiều trung tâm du lịch lớn đã nhộn nhịp nguồn khách trở lại. Đặc biệt, khi nước ta đã có độ phủ vắc xin tốt, là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho tâm lý du lịch trong nước sớm quay lại đà hồi phục mạnh mẽ, sắp tới sẽ là những đợt du lịch hè hy vọng sẽ làm “ấm” lại thị trường du lịch Việt Nam.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG