Giải pháp nào giúp doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận vốn vay?

Cập nhật, 13:41, Thứ Tư, 10/08/2022 (GMT+7)

(VLO) Theo ngành chức năng, thời gian qua, việc tiếp cận nguồn vốn vay của doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã (HTX) còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Để giải quyết vấn đề này cần nhiều giải pháp tháo gỡ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX tiếp cận khoản vay, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Nhiều hợp tác xã mong muốn được tiếp cận nguồn vay tín dụng để mở rộng, phát triển sản xuất.
Nhiều hợp tác xã mong muốn được tiếp cận nguồn vay tín dụng để mở rộng, phát triển sản xuất.

Ngân hàng thừa vốn nhưng khó tiếp cận

Theo Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, trong những năm qua, vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX đã từng bước được khẳng định với những đóng góp hết sức to lớn trong tiến trình phát triển kinh tế- xã hội.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là kinh tế tập thể trong đó nòng cốt là các HTX vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế, cũng như sự kỳ vọng vào sứ mệnh của khu vực kinh tế này.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch- Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam- Tổ trưởng Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, cho rằng: Có rất nhiều nguyên nhân đã được nhận diện, đề cập, phân tích, trong đó một nguyên nhân được nhấn mạnh là thiếu nguồn lực và khả năng tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX.

Chia sẻ về vướng mắc, thực trạng tín dụng của HTX, ông Nguyễn Tiến Định- đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cho hay: Thực tế ngân sách đầu tư cho khu vực kinh tế tập thể HTX còn khá hạn chế.

Trong khi đó, tình hình góp vốn của thành viên vào HTX chỉ ở mức bình quân 600 triệu đồng/HTX, nhiều thành viên góp ít vốn hoặc thậm chí là không góp vốn dù trong Luật HTX có quy định.

Theo ông Định, khó khăn tiếp cận ngân hàng thương mại có thể dẫn đến nhiều hệ quả như các HTX không được khuyến khích đầu tư chế biến mà chỉ có thể tập trung thu gom; năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, không khuyến khích nông dân, tạo áp lực cho doanh nghiệp liên kết, hạn chế chuỗi liên kết, và đặc biệt là hình thành bẫy tín dụng hay tín dụng đen trong phát triển ở khu vực nông thôn.

Còn đối với nhóm đối tượng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo bà Bùi Thu Thủy- Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thời gian qua Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành rất quan tâm, có chính sách kịp thời hỗ trợ, nhất là trong bối cảnh COVID-19 để gia hạn, giảm, giãn thuế phí.

Song, qua theo dõi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rằng, trong số các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn tài chính thì chỉ có 25% tiếp cận được nguồn tài chính chính thống, còn lại là các nguồn khác như huy động từ người thân, vay, mượn tại các nguồn không chính thống.

“Vì sao ngân hàng thừa vốn nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn không tiếp cận được vốn?”, bà Thủy đặt câu hỏi và giải đáp: “Ngân hàng nói rằng chúng tôi cũng là doanh nghiệp và chúng tôi cố gắng đảm bảo tín dụng cũng phải hiệu quả, không xảy ra nợ xấu và bảo toàn vốn cho hoạt động kinh doanh. Và họ cũng nói rằng “doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng chưa đủ độ tin cậy”.

Ngoài việc chưa minh bạch tài chính, đa số doanh nghiệp chưa có phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Nếu có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, có khả năng tăng trưởng tốt, công nghệ tốt… thì nhiều doanh nghiệp sẵn sàng “nhảy vào” hỗ trợ”.

Mong có chính sách phù hợp

Tại Diễn đàn “Khai thông tín dụng vi mô phục vụ chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và HTX”, giám đốc một HTX nông nghiệp tại Bình Tân, cũng cho rằng: Hiện tại các ngân hàng định giá tài sản nông nghiệp không phù hợp với thực tế khiến nông dân và HTX khó tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng.

Do đó, mong muốn ngân hàng có chính sách phù hợp hơn. Đồng thời, nên tổ chức các lớp học đào tạo cho HTX nắm rõ về vấn đề tài chính kế toán tại đơn vị để xây dựng kế hoạch kinh doanh cụ thể hơn nhằm tiếp cận nguồn vốn nhanh, hiệu quả.

Ông Nguyễn Tuấn Anh- đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) thông tin: Có thể khẳng định rằng việc hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX; phát triển nông nghiệp, nông thôn... là một trong những vấn đề được Đảng, Chính phủ rất quan tâm.

Để các đối tượng này tiếp cận được nguồn vốn, bên cạnh các chính sách, nguồn vốn của ngành ngân hàng thì Nhà nước cũng có rất nhiều chính sách để các đối tượng này được tiếp cận nguồn vốn.

Chính phủ cũng thành lập nhiều loại hình quỹ để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX. Về phía ngân hàng, luôn xác định các đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX là một trong những đối tượng được ưu tiên. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước theo thẩm quyền đã trình ban hành, ban hành các văn bản giúp tăng khả năng tiếp cận vốn cho các đối tượng này.

Ông Nguyễn Quốc Toản- Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp- PTNT), đề xuất xây dựng cẩm nang tiếp cận tín dụng cho HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ với sự phối hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ngân hàng Nhà nước… từ đó có thể số hóa việc tiếp cận tín dụng đối với khối HTX.

Về phía doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Toản cho rằng cần có phương án kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản cần được xem xét như một tài sản bảo lãnh trong vấn đề xét duyệt cho vay đối với doanh nghiệp; xây dựng sản phẩm liên kết ngân hàng bảo hiểm đối với nông nghiệp.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản: Trong những năm qua tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng bình quân là 12,77% và tín dụng nông sản phục vụ xuất khẩu chủ lực (lúa gạo, rau quả, cà phê... chiếm 40%), có 80 tổ chức tín dụng, 1.200 quỹ tín dụng nhân dân đã vào cuộc đồng hành cùng doanh nghiệp, bà con nông dân, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với ngành nông nghiệp. Trong đó, cho vay nông nghiệp, tập trung sản xuất là 60% dư nợ, cho vay vào thu mua tiêu thụ khoảng 17%, cho vay vào chế biến khoảng 13%.

Bài, ảnh: TRÀ MY