Cà phê tư vấn chính sách BHXH, BHYT

Cập nhật, 13:22, Thứ Ba, 09/08/2022 (GMT+7)

 

Năm 2022, tỉnh đưa chỉ tiêu phấn đấu tham gia BHXH đạt 27% lực lượng lao động, trong đó 5,9% là tham gia BHXH tự nguyện.
Năm 2022, tỉnh đưa chỉ tiêu phấn đấu tham gia BHXH đạt 27% lực lượng lao động, trong đó 5,9% là tham gia BHXH tự nguyện.

(VLO) Nội dung này được ghi nhận trong các cuộc tuyên truyền, đối thoại trực tiếp về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình do cơ quan BHXH tỉnh Vĩnh Long tổ chức. Ở đó, nhiều người dân, công nhân, người lao động đã đăng ký tham gia BHXH tự nguyện cho mình, cho người thân của mình hầu hết là lao động ở khu vực phi chính thức, để tiến tới được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.

BHXH tỉnh Vĩnh Long vừa phối hợp đơn vị có liên quan tổ chức chương trình “cà phê tư vấn chính sách BHXH, BHYT” thu hút gần 100 công nhân, người lao động tại Khu công nghiệp Hòa Phú.

Tại đây, BHXH tuyên truyền, vận động công nhân, lao động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho người thân của mình. BHYT hiện nay có thể nói hầu hết ai cũng có khi tỉnh bao phủ BHYT gần 90%.

Chỉ tiêu đến cuối năm 2022, phấn đấu bao phủ BHYT toàn dân tỉnh là 92,2%. Đồng thời, tham gia BHXH là 27% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó 5,9% là BHXH tự nguyện.

Phạm Thị Thanh Thủy (SN 1997, ngụ xã Mỹ Thuận, Bình Tân) làm việc ở Công ty TNHH May mặc Leader Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Phú), là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, có tham gia BHXH và BHYT ở đơn vị.

Đến “cà phê tư vấn chính sách BHXH, BHYT”, Thủy đăng ký tham gia BHXH tự nguyện cho cha mẹ mình là ông Phạm Văn Bé và bà Lương Kim Sang.

Chọn mức thu nhập hàng tháng là 1.500.000 đồng và với mức đóng bằng 22% thu nhập lựa chọn tức là 330.000 đồng/người/tháng, Thủy đóng ngay cho mỗi người là 297.000 đồng/người/tháng (sau khi được hỗ trợ 10% trên mức đóng của thu nhập lựa chọn).

Theo quy định, mức đóng BHXH tự nguyện được tính sau khi được hỗ trợ của Nhà nước: 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo, 20% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo, 10% đối với người tham gia khác.

Nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, đối thoại trực tiếp BHXH, BHYT, góp phần để chính sách đi vào cuộc sống.
Nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, đối thoại trực tiếp BHXH, BHYT, góp phần để chính sách đi vào cuộc sống.

Được biết, mức thu nhập hàng tháng được người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn là 1.500.000 đồng/tháng như trên, cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở là 29.800.000 đồng/tháng (lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng/tháng).

Theo ông Ngô Tuấn Anh- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Vĩnh Long, với mức đóng cụ thể của người lao động nêu trên khi tham gia BHXH tự nguyện, dự kiến mức đóng 20 năm là 75.240.000 đồng.

Sau 20 năm, dự kiến mức hưởng lương hưu hàng tháng với nữ (55%) là 1.680.113 đồng/tháng, với nam (45%) là 1.374.638 đồng/tháng; mức hưởng lương hưu với dự kiến hưởng lương hưu 20 năm với nữ là 826.524.469 triệu đồng, với nam là 676.247.293 triệu đồng.

Ông Tuấn Anh cho biết theo quy định hiện hành, quyền lợi được hưởng của một người chọn mức thu nhập tối thiểu trên sau 20 năm đóng BHXH tự nguyện là 1.064.044.049 đồng đối với nữ, 910.452.597 đồng đối với nam (đã gồm mức hưởng lương hưu, số tiền mua BHYT trong 20 năm, tiền mai táng phí, trợ cấp tuất thân nhân được hưởng khi người hưởng lương hưu qua đời).

Về phương thức đóng, người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn đóng định kỳ và đóng một lần. Trong đó, đóng định kỳ gồm: hàng tháng, 3 tháng một lần, 6 tháng một lần, 12 tháng một lần, nhiều năm một lần (không quá 5 năm); đóng một lần cho những năm còn thiếu (không quá 10 năm) để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Tại chương trình “cà phê tư vấn chính sách BHXH, BHYT”, thông tin về thu nhập lựa chọn, mức đóng hàng tháng, hỗ trợ mức đóng, phương thức đóng, quyền lợi và mức hưởng,... được phổ biến cụ thể đến công nhân lao động như vậy.

Kết quả, công nhân Nguyễn Trúc Mộng (SN 1988, xã Thạnh Quới, Long Hồ) hay người lao động Lê Thị Hơn (SN 1978, xã Hòa Phú, Long Hồ) hiểu rõ tương tự, đồng thuận tham gia BHXH tự nguyện cho người thân của mình để tiến tới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.

Theo ông Ngô Tuấn Anh, cùng với việc tổ chức đa dạng hình thức truyền thông, phổ biến chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, cơ quan BHXH tỉnh ghi nhận thực tế triển khai ở địa phương và có đề xuất kiến nghị để chính sách ngày càng đi vào cuộc sống.

Đó là nghiên cứu bổ sung thêm một số quyền lợi để thu hút người tham gia BHXH tự nguyện như: Các chế độ ngắn hạn (ốm đau, thai sản); tăng tỷ lệ % hỗ trợ tiền đóng; rút ngắn thời gian đóng từ 20 năm xuống còn 15 năm, tiến tới 10 năm để được hưởng lương hưu...

BHXH tỉnh Vĩnh Long đã, đang và sắp tới tổ chức tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT đến các hội đoàn thể, công nhân lao động, người dân tại các địa bàn. “Cà phê tư vấn chính sách BHXH, BHYT” là một trong hình thức tuyên truyền trực tiếp trên. Kết quả phát triển đối tượng trong tháng 7/2022: 552 người tham gia BHXH tự nguyện, 782 người tham gia BHYT hộ gia đình.

Bài, ảnh: MINH THÁI