Dọn đường cho du lịch phục hồi và tăng trưởng

Cập nhật, 16:32, Thứ Ba, 01/02/2022 (GMT+7)

(VLO) Du lịch Vĩnh Long có đà tăng trưởng tốt liên tục trong 5 năm (2015- 2019), với trên 6 triệu lượt khách và tổng doanh thu gần 1.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, dịch COVID-19 trong 2 năm (2020- 2021) đã làm “đứt gãy” đà tăng và dự báo tiếp tục bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Xây dựng lộ trình phục hồi một cách linh hoạt, an toàn, thích ứng với tình hình mới, là yêu cầu trước mắt; đồng thời, ngành du lịch cần những đổi thay cho xu hướng, tâm thế du lịch mới trong tương lai.

Vĩnh Long tiếp tục khai thác thế mạnh truyền thống sông nước, miệt vườn.
Vĩnh Long tiếp tục khai thác thế mạnh truyền thống sông nước, miệt vườn.

Đà tăng trưởng bị đứt gãy

Trên cơ sở xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, Vĩnh Long đang tập trung cho nhiều dự án, đề án quan trọng.

Cụ thể: Bến cảng hành khách Vĩnh Long, nạo vét kinh Mương Lộ và sông Cái Muối, xây dựng Nhà thi đấu đa năng, Trung tâm tổ chức hội nghị, Đề án di sản đương đại Mang Thít, Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL,… dự kiến sau khi hình thành sẽ góp phần thay đổi diện mạo du lịch Vĩnh Long.

Trong giai đoạn 2015- 2019, lượng khách đến với du lịch Vĩnh Long đạt 6,123 triệu lượt khách (trung bình 1,224 triệu lượt/năm), doanh thu 1.697 tỷ đồng (trung bình 339 tỷ đồng/năm). Qua đó, ngành du lịch của tỉnh đã cùng với các ngành trong khối dịch vụ đóng góp tốt cho sự phát triển kinh tế- xã hội địa phương, tạo việc làm cho 1.446 lao động du lịch của tỉnh, tạo nên chuỗi giá trị các dịch vụ kèm theo (ăn uống, vận chuyển, mua sắm).

Riêng cuối năm 2019, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch có 99 cơ sở với 1.575 phòng; 27 homestay; gần 40 điểm vườn sinh thái.

Tham gia vận chuyển khách du lịch, có gần 100 tàu thủy nội địa từ 9- 50 chỗ ngồi; nhiều đại lý cung cấp vé máy bay trong nước và quốc tế, cung cấp vé tàu lửa, tàu thủy và ô tô vận chuyển Bắc Nam hoạt động trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho du khách có nhiều lựa chọn cho chuyến đi.

Ngành du lịch đang tràn đầy hy vọng, nếu đà tăng trưởng lượng khách và doanh thu trên được duy trì và tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn 2020- 2025. Cùng với sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, các dự án lớn được hoàn thành thì có cơ sở cho niềm tin ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh vào năm 2025.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã đẩy du lịch toàn cầu vào tình trạng “đóng băng”, ngành du lịch Vĩnh Long cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, biểu đồ tăng trưởng giảm theo chiều thẳng đứng.

Tại Vĩnh Long, tính cả năm 2020 tổng lượt khách du lịch tới tỉnh chỉ đạt 665.000 lượt, giảm 55,5% so với năm trước đó; doanh thu đạt 190 tỷ đồng, giảm 335 tỷ đồng (đạt 23% kế hoạch năm). Các cơ sở du lịch, tàu du lịch ngưng hoạt động trong thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách. Sau đó, cũng chỉ hoạt động cầm chừng.

Đầu năm 2021, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát tốt. Du lịch có bước phục hồi. Nhưng từ tháng 5/2021, đợt dịch lần thứ tư bùng phát và ảnh hưởng nặng tại TP Hồ Chí Minh và khu vực ĐBSCL. Dịch kéo dài, diễn biến phức tạp, nên lượng khách và doanh thu của du lịch Vĩnh Long đã giảm đến mức thấp nhất trong lịch sử của ngành.

Phục hồi và thích ứng

Để thích ứng trong điều kiện vừa hoạt động kinh doanh vừa phòng chống dịch COVID-19, nhiều cơ sở kinh doanh du lịch đã được các ngành triển khai sớm và thực hiện các giải pháp phòng dịch tại cơ sở, cập nhật thông tin hàng ngày về tình hình và cấp độ dịch tại các địa phương. Đặc biệt, các cơ sở triển khai mã QR kiểm dịch để khách và nhân viên khai báo hàng ngày.

Ngoài ra, các cơ sở đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác khách trực tiếp thông qua mạng Internet cũng như trao đổi thông tin với ngành chức năng một cách nhanh chóng về những vướng mắc cần tháo gỡ.

Qua đó góp phần nâng cao trình độ của lao động trong lĩnh vực du lịch, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại. Song song đó, ngành chức năng hướng dẫn kịp thời cho các cơ sở nắm thông tin, biện pháp phòng dịch, hướng dẫn hoạt động tạm thời trong từng giai đoạn.

Trò chơi bóng nước ở Khu du lịch Bến Thành- Vinh Sang.
Trò chơi bóng nước ở Khu du lịch Bến Thành- Vinh Sang.

Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi mạnh mẽ hình thức xúc tiến du lịch của cơ sở kinh doanh và để thích ứng với tình hình mới, từ việc tham gia xúc tiến trực tiếp tại các sự kiện chuyên ngành đã chuyển sang quảng bá trên các kênh truyền thông, các trang mạng xã hội (Youtube, Fanpage, Zalo,…).

Hình thức trên đã kích thích đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xúc tiến du lịch, tăng cường tuyên truyền về điểm đến an toàn cho du khách.

Ngoài ra, cũng kích thích sự liên kết xúc tiến du lịch giữa các địa phương trong vùng; tạo cho doanh nghiệp có ý thức hơn về việc liên kết, hợp tác trong xây dựng sản phẩm và cung cấp dịch vụ phục vụ khách, đảm bảo an toàn, tạo cho doanh nghiệp có sự đánh giá đúng và khách quan về năng lực cạnh tranh của mình trước những biến động của xã hội.

Thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp xây dựng các clip ngắn để quảng bá về điểm du lịch như: Vinh Sang, Út Trinh, Cửu Long, Nhà Dừa Cocohome, Út Thủy, khu Sala, khách sạn Phước Thành, Ngọc Yến,…

Điểm du lịch Hoàng Hảo tại xã Thanh Đức (Long Hồ).
Điểm du lịch Hoàng Hảo tại xã Thanh Đức (Long Hồ).

Trong lộ trình phục hồi một cách linh hoạt, an toàn, thích ứng với tình hình mới, ngành du lịch cần những đổi thay cho xu hướng, tâm thế du lịch mới trong tương lai. Trong hoàn cảnh dịch bệnh, thì sự liên kết càng đòi hỏi cao hơn và việc thực hiện tốt công tác liên kết 13 tỉnh- thành ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh trong phát triển du lịch là xu thế tất yếu.

Song song đó, ngành du lịch cần tập trung triển khai và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn 2021- 2025, kêu gọi vốn đầu tư xã hội và tập trung triển khai những đề án, dự án trọng tâm, như: đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù; đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch; đề án cơ cấu lại ngành du lịch; đề án di sản đương đại Mang Thít,…

Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đảm bảo chất lượng, hiện đại, tiện nghi, đồng bộ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Nâng cao chất lượng cả về hình thức và nội dung quảng bá xúc tiến trên các trang mạng xã hội, đổi mới nội dung và hình thức ấn phẩm quảng bá du lịch. Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm về phát triển sản phẩm đặc thù, dịch vụ mới, phát triển loại hình du lịch MICE, du lịch nông nghiệp,… để thu hút khách du lịch trong thời gian tới.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG